Những bước đi nhiều mục đích

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn 2014-2018, đứng sau Saudi Arabia.  Báo The Hindu dẫn báo cáo mới nhất do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) công bố ngày 11-3 cho biết, trong giai đoạn 2014-2018, Ấn Độ chiếm 9,5% tổng lượng nhập khẩu vũ khí trên thế giới, so với mức 12% trong cùng kỳ của Saudi Arabia.

Các thông tin trên được công bố trong bối cảnh Ấn Độ và Saudi Arabia cùng ngày 11-3 đã nhất trí thành lập một hội đồng đối tác chiến lược để tăng cường hợp tác chống khủng bố. Mặc dù không nhắc đến Pakistan, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh cần phải triển khai hành động có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược nhằm triệt phá các cơ sở hạ tầng khủng bố trong cuộc chiến chống mối đe dọa này. Theo giới quan sát, Saudi Arabia có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với Pakistan thông qua một gói hỗ trợ kinh tế lớn. Ấn Độ hy vọng Riyadh sẽ thuyết phục Islamabad ngừng hậu thuẫn phiến quân đang hoạt động chống các lực lượng Ấn Độ ở khu vực Kashmir. Trong chuyến thăm New Delhi hồi tháng trước, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman từng đề xuất chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ.

Ngoài Saudi Arabia, Ấn Độ cũng đang tính đến nước cờ “liên minh” với Mỹ. Kể từ khi Ngoại trưởng Pompeo thăm Ấn Độ hồi tháng 9-2018 để dự Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng giữa hai nước lần đầu tiên, đã có những tiến triển đáng kể và chất lượng của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Mỹ. Sau cuộc gặp ngày 11-3 giữa Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington, Ấn Độ và Mỹ đã ra tuyên bố cùng kêu gọi Pakistan phối hợp hành động trong việc triệt phá các cơ sở hạ tầng khủng bố và không cung cấp nơi ẩn náu cho các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ của mình. Động thái này dường như cho thấy các nước vẫn hoài nghi về tuyên bố của Pakistan rằng Islamabad đang trấn áp các nhóm khủng bố trên lãnh thổ của mình vốn bị Liên hiệp quốc liệt vào danh sách đen.

Bên cạnh đó, các quan chức hai nước cũng thảo luận và nhất trí phối hợp chặt chẽ trong những vấn đề cùng quan tâm khác như Afghanistan và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó, mạng The Sunday Guardian đăng bài viết của nhà báo kỳ cựu Navtan Kumar cho rằng hiện đang có ngày càng nhiều động thái trong Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận quân sự cơ bản thứ 3 với Mỹ, nhằm vô hiệu hóa trục Nga - Trung Quốc - Pakistan (RCP) vì lợi ích lớn hơn của New Delhi cũng như sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tác giả nhấn mạnh, cuộc đối đầu hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc New Delhi ký kết thỏa thuận thứ 3 với Washington càng sớm càng tốt. Trong khi đó, sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng của Bắc Kinh đang đặt ra thách thức chiến lược đối với những quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ, Mỹ và các đồng minh đối tác chiến lược.

Chưa hết, Ấn Độ ngày 11-3 cũng đã tiến hành những cuộc thảo luận quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc chống lại các nhóm khủng bố có căn cứ ở Pakistan. Việc Ấn Độ xông xáo tìm kiếm sự ủng hộ của các nước cho thấy cả 2 nước vẫn chưa tự giải quyết được các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định, thậm chí làm tăng khả năng leo thang mới.

Tin cùng chuyên mục