Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2020)

Những “bóng hồng” vượt khó

Mỗi người có vị trí, công việc khác nhau, nhưng điểm chung của họ là những người phụ nữ bản lĩnh, đầy tự tin vượt qua hoàn cảnh và theo đuổi lý tưởng, cống hiến cho xã hội. Với sự trăn trở về thân phận người phụ nữ, họ đã làm nhiều việc không chỉ để vượt qua rào cản khó khăn, mà còn giúp chị em phụ nữ khác tự tin đứng lên làm chủ cuộc sống.
Đội nữ CSGT dẫn đoàn bằng những chiếc xe đặc chủng phân khối lớn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội nữ CSGT dẫn đoàn bằng những chiếc xe đặc chủng phân khối lớn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vượt qua chính mình bằng niềm đam mê

Hơn 2 tháng qua, người dân TPHCM đã quen thuộc với hình ảnh các nữ cảnh sát giao thông (CSGT) lái mô tô trên các tuyến phố. Ngoài tham gia dẫn đường các đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, đội hình nữ CSGT dẫn đoàn còn tham gia xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, kiểm tra đo nồng độ cồn chủ phương tiện. Nhìn các nữ CSGT tự tin làm chủ chiếc xe 250 phân khối, nhiều người không khỏi thán phục. Để làm được điều ấy, các chị phải vượt qua chính mình bằng niềm đam mê mãnh liệt.

Nhìn sự dịu dàng của Thượng úy Cao Thị Hồng Ngọc, Đội CSGT Bàn Cờ, khi tiếp công dân không ai nghĩ chị có thể mạnh mẽ lái chiếc xe đặc chủng vốn dĩ dành cho nam giới. Tại đơn vị, Thượng úy Ngọc phụ trách công tác văn thư, xử lý vi phạm. Nhưng thích thử thách, muốn vượt qua sự lo ngại, e dè của một nữ nhi, Ngọc đăng ký tham gia tập luyện và trở thành một trong 58 nữ CSGT dẫn đoàn đầu tiên của TPHCM. “Thời gian đầu tập luyện rất vất vả, việc bị té khi đánh lái hay xe đè thường xảy ra. Nhưng khi làm chủ được chiếc xe, chị em vững tin và càng tập càng thích”, Thượng úy Ngọc chia sẻ.

Cũng từ sự chịu khó luyện tập và niềm đam mê ấy đã giúp các nữ công an nhân dân vượt qua những trở ngại ban đầu. Khi các nữ CSGT dẫn đoàn tự tin làm chủ chiếc xe đặc chủng, họ đã giúp hình ảnh người phụ nữ thêm mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong mắt mọi người. Tuy nhiên, để đứng trong đội hình dẫn đoàn, các nữ CSGT không chỉ có ngoại hình, khả năng ứng biến nhanh trong các tình huống mà phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tính kỷ luật cũng phải được xét chọn nghiêm ngặt.

Nhiều nữ CSGT còn đôi lần thử sức với chiếc xe đặc chủng 750 phân khối dành cho nam, làm các đồng nghiệp nam vô cùng thán phục. Theo Thượng úy Ngọc, vai trò của phụ nữ nay không chỉ gói gọn trong gian bếp gia đình hay văn phòng công sở, phụ nữ còn làm được nhiều việc đóng góp cho xã hội. Đôi khi, chính lợi thế dịu dàng, nữ tính, giúp phụ nữ thành công. Thực tế, sự uyển chuyển, lời nói nhẹ nhàng của các nữ CSGT đã tác động đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thời gian qua.

Luôn tự tin với nghề

Nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tuyết Đào cũng là cơ sở đan móc len Phước Đào (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) luôn đầy ắp tiếng cười. Trong căn phòng nhỏ, bà Đào đang ngồi soạn hàng giao cho khách. Chồng bà phụ vợ các công việc nặng nhọc như kéo các bao hàng ra, di chuyển hàng về kho.

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chợ bà Đào thường bỏ mối hàng ế ẩm, công việc kinh doanh bị giảm sút. Nhưng không ngồi yên, bà Đào làm quen rồi chuyển sang làm hàng bán online. “Thu nhập của nhiều chị em phụ thuộc vào cơ sở mình nên tôi phải cố gắng”, bà Đào tâm sự.

Những “bóng hồng” vượt khó ảnh 1 Bà Đinh Thị Tuyết Đào cùng chồng tạo được cơ sở giúp phụ nữ học nghề, tự tin làm chủ cuộc sống. 
Chính sự nhạy bén ấy nên gần 30 thợ đều là nữ của cơ sở len Phước Đào vẫn ổn định được cuộc sống. Cầm chiếc nón len với những đường hoa văn đẹp mắt, bà Đào cho biết, để móc chiếc nón này phải mất cả ngày. “Nếu mình tôi thì chỉ cho ra đời một sản phẩm. Nhưng khi tôi dạy nghề cho nhiều chị em thì cũng với thời gian ấy, chúng tôi có thể làm ra 100, thậm chí 500 sản phẩm. Và rất nhiều chị em lại có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, bà Đào chia sẻ.
Cũng từ suy nghĩ ấy nên 14 năm trước, khi mặt hàng len thủ công được khách hàng ưa chuộng, bà Đào bắt đầu dạy nghề cho phụ nữ. Ai khuyết tật, gia đình khó khăn bà dạy miễn phí. Rồi bà nhận hàng để phụ nữ trên địa bàn quận có việc làm, thu nhập.

Điều khá đặc biệt, bà Đào là một phụ nữ khuyết tật. Vậy nhưng, bà Đào xem khuyết tật chỉ là một hạn chế, chứ không phải là rào cản và khi có ý chí sẽ vượt qua được. Trong suy nghĩ của người phụ nữ ấy, khi đã xây dựng mục tiêu thì phải bước tới. Cho dù có chậm nhưng cũng sẽ đi đến đích. Suy nghĩ, thái độ quyết liệt đó đã được bà Đào chia sẻ với chị em trong các buổi giảng dạy tại lớp nghề do Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện tổ chức.

Cũng là người luôn trăn trở về thân phận người phụ nữ nên doanh nhân Pang Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Kelly Pang (quận 5, TPHCM), chọn hướng kinh doanh đồng hành cùng phụ nữ. Hơn 15 năm qua, chị Mỹ Linh được nhiều người biết đến là “bà đỡ” cho phụ nữ muốn khởi nghiệp bằng nghề làm móng. Không chỉ xinh đẹp, người phụ nữ ấy luôn dịu dàng, từ tốn mỗi khi đứng lớp dạy chị em cách cắt tỉa từng chiếc móng tay. “Nghề nào cũng cao quý, miễn đó là nghề lương thiện. Huống chi, nghề chúng tôi đang đeo đuổi lại mang đến vẻ đẹp cho chị em”, chị Mỹ Linh tâm sự.

Trong các buổi nói chuyện cùng phụ nữ khởi nghiệp, chị Mỹ Linh cũng luôn khuyên chị em phải hiểu bản thân mình phù hợp với nghề nào, có yêu thích hay không, chứ không cần phải chọn nghề thật cao sang. Khi phụ nữ vững tin với nghề mình chọn thì dù ở vị trí công việc nào cũng sẽ có thể thành công. Từ đó, ai đã chọn theo nghề, chị Mỹ Linh hết lòng truyền nghề, giúp chị em phụ nữ khó khăn, khuyết tật có nghề để làm chủ cuộc sống. Chị Mỹ Linh còn gieo sự tự tin, lòng đam mê vào từng học viên.

Tin cùng chuyên mục