Những bà mẹ khoa học

Đứng trên bục giảng, Tiến sĩ khoa học Joellen Russell cười, nói, hứng khởi trả lời lần lượt các câu hỏi của sinh viên. Các nhà quản lý của Đại học Arizona cho biết tên tuổi và mối quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của vị giáo sư nổi tiếng này có thể giúp cô huy động khoản tài trợ hàng triệu USD cho các dự án khoa học khí hậu.

Nhưng Tiến sĩ Russell vẫn muốn dạy những sinh viên sẽ sát cánh cùng cô trong cuộc chiến mà cô xem là cuộc chiến lớn nhất, quan trọng nhất của loài người hiện nay: cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hơn thế, họ muốn chống lại những giả định cho rằng không ai có thể làm gì về nó.

Tiến sĩ khoa học Joellen Russell (trái) đang trò chuyện cùng sinh viên 
các vấn đề về biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Russell là một trong các thành viên của nhóm có tên gọi Science Moms (Các bà mẹ khoa học). Nhóm công khai thúc đẩy phong trào nâng cao nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu bằng cách kết nối các nhà khoa học khí hậu nữ, với mục tiêu xây dựng một chiến dịch tiếp cận và nâng cao nhận thức của những bà mẹ không phải nhà khoa học.


Trong nhóm này còn có Tiến sĩ Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí quyển nổi tiếng, là giáo sư xuất sắc tại Đại học Công nghệ Texas ở Lubbock và là nhà khoa học chính của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên. Trong một bài nói chuyện trên diễn đàn TED Talk với lượt xem gần 4 triệu, cô lập luận rằng điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm để chống lại biến đổi khí hậu là nói nhiều về nó - điều mà cô và nhiều nhà khoa học tin rằng chưa đủ xảy ra quanh bàn ăn của người Mỹ. Tiến sĩ Hayhoe cũng đã viết cuốn Saving Us, về những gì cá nhân có thể làm để tạo sự khác biệt trong vấn đề này.

Tuy nhiên, ý tưởng về “Science Moms” hình thành đầu tiên là từ sự hợp tác của những ông bố - John Marshall, cựu giám đốc chiến lược tại Lippincott, một công ty tư vấn tiếp thị và ông Dan Schrag - Giám đốc Trung tâm Môi trường của Harvard. Hai người đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái có tên là Liên minh Năng lượng tiềm năng để thay đổi câu chuyện về biến đổi khí hậu. Sau khi phân tích dữ liệu nhân khẩu học, ông Marshall xác định các bà mẹ ở độ tuổi 40-55 có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất về vấn đề này. Họ lo lắng tương lai của con cái nhưng lại không được đào tạo về khoa học khí hậu và không biết phải làm gì trước sự nóng lên toàn cầu. Ông Marshall lập tức tập trung vào việc nâng cao ý thức đối tượng này để trở thành người phát ngôn mới, những người phát ngôn mà người Mỹ hàng ngày đều dễ dàng có thể liên hệ.

Theo báo CS Monitor, đến nay, các nhà khoa học nữ trong nhóm đã quay các video về khoa học khí hậu và ảnh hưởng lên con cái của họ, những video này đã được xem hơn 440 triệu lần. Họ tham gia trò chuyện trực tiếp tại tòa thị chính và lên truyền hình để nói về biến đổi khí hậu từ góc độ nuôi dạy con cái. Họ chia nhỏ dữ liệu khí hậu phức tạp cho những đối tượng bình dân, gặp gỡ các bà mẹ và trợ giúp nhiều chiến dịch quảng cáo và truyền thông xã hội… Khắp nước Mỹ hiện đang có một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ nêu ra cách các hệ thống khí hậu đang thay đổi. Tham vọng của phong trào này không chỉ thúc đẩy khoa học mà còn để xây dựng một đội quân kiên cường cho các chiến tuyến tiếp theo chống biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục