Những ai, cơ quan nào được hoạt động khi TPHCM “siết” Chỉ thị 16?

UBND TPHCM vừa có chỉ đạo khẩn về tăng cường mạnh mẽ biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo tinh thần Chỉ thị 16. Thời gian thực hiện chỉ đạo này đến hết ngày 1-8.

Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra vi phạm về giãn cách

UBND TPHCM chỉ đạo tiếp tục thực hiện triệt để quy định về giãn cách, nhất là giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiếu yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.

Những ai, cơ quan nào được hoạt động khi TPHCM “siết” Chỉ thị 16? ảnh 1 Các khu phong tỏa sẽ có sự tuần tra, giám sát của lực lượng công an, quân đội nhằm đảm bảo thực hiện triệt để giãn cách người với người, nhà với nhằ

Với các khu phong tỏa, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.  Các khu này phải thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp  cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm đến từng nhà hoặc phương thức “đi chợ thay”. 

UBND TPHCM cũng yêu cầu các địa phương thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa (tổ quản lý), với sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên Xung phong, các đoàn thể và nhất là Tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường giám sát. Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại các khu vực này cần liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa ra từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

Chỉ đạo của UBND TPHCM cũng yêu cầu các địa phương tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do gì đều bị xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan.

Đối với các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Với các ga đình có F0, F1 cách ly tại nhà, cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

Các nhóm được phép hoạt động trong thời gian giãn cách

Chỉ đạo của UBND TPHCM liệt kê cụ thể các cơ quan, đơn vị, loại hình được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Cụ thể, đó là cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Dừng toàn bộ tất cả các cuộc họp không cần thiết. Số người làm việc tại công sở không quá 1/3 số người lao động, làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày. Riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế TPHCM đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND TPHCM quyết định.

Ngân hàng, chứng khoán đảm bảo hoạt động mức độ duy trì công suất tối thiểu, riêng các chi nhánh hoặc phòng giao dịch có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự theo ca kíp, khuyến khích “3 tại chỗ”.

Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, các bếp ăn từ thiện, cung cấp điện nước, xăng dầu, gas, bưu chính viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ hậu cần phòng chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly; và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp logistic, các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường – hai địa điểm”.

Những ai, cơ quan nào được hoạt động khi TPHCM “siết” Chỉ thị 16? ảnh 2 Xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu được lưu thông phải đảm bảo yêu cầu về phòng dịch - thực hiện 5K và được doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách

Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông, gồm: vận chuyển hàng hóa đường thủy, bến phà, các bến thủy. Với giao thông dường bộ là xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện QR được phép lưu thông vào TPHCM hoặc xuyên qua TPHCM; xe ô tô, mô tô, 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TPHCM về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm”; xe taxi chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi bệnh viện và trong trường hợp cần thiết; xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu được doanh nghiệp đăng ký hoạt động; xe vận chuyển y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ phòng chống dịch, chở người kết thúc thời gian cách ly, chở người bệnh Covid-19, chở người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị về nơi cư trú (được cấp phép hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh TPHCM, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế).

Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới theo hướng dẫn của Sở Công thương, quy mô giảm còn khoảng 30%, chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn-lẻ để giảm tối đa tương tác.

Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách chỉ được thi công khi đáp ứng “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm”.

Những ai, cơ quan nào được hoạt động khi TPHCM “siết” Chỉ thị 16? ảnh 3 TPHCM đang đẩy nhanh đàm phán và mua vaccine        Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quý 1-2022, tiêm vaccine 2/3 dân số TPHCM

Chỉ đạo của UBND TPHCM cũng chỉ đạo cụ thể về nâng cao hiệu quả công tác xét nghiệm, điều trị và tiêm vaccine. Trong đó, TPHCM kết hợp đông tây y, vận động cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia điều trị, chú trọng huy động đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, hội Chữ thập đỏ tham gia phòng chống dịch.

TPHCM sẽ đẩy nhanh công tác đàm phán và mua vaccine, phấn đấu đến Quý 1-2022 có 2/3 dân số TPHCM được tiêm chủng.

UBND TPHCM cũng chỉ đạo cụ thể cho các sở ngành liên quan về cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn TPHCM.

Trong công tác hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sở LĐTB-XH được chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh giải ngân gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục