Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức tăng

Thu nhập của người dân tăng, cùng với bộ phận người xếp vào nhóm thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng, là nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường vàng trang sức của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. 
Tiêu thụ nữ trang của người Việt ngày càng nhiều hơn
Tiêu thụ nữ trang của người Việt ngày càng nhiều hơn

Theo một báo cáo nghiên cứu được Công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố mới đây, ở Việt Nam, người tiêu dùng đang có xu hướng tích lũy vàng trang sức, thay vì dự trữ vàng miếng như trước đây. Điều này đã kéo theo sự tăng trưởng của lĩnh vực trang sức lên 2 con số và đạt bình quân 10% mỗi năm. 

Cũng theo báo cáo này, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng vàng trang sức của người Việt sẽ còn gia tăng hơn, bởi tầng lớp trung lưu - giàu có đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam (ước tính chiếm 1/3 dân số vào năm 2020). Đây là những người tiêu dùng có tư duy hiện đại, nhu cầu thể hiện bản thân cao và là đối tượng khách hàng của các chuỗi bán lẻ trang sức thời trang. Như chia sẻ của chị Phạm Thị Hiền (kế toán một công ty tại quận Tân Bình), trước đây chị có thói quen mua vàng ta, vàng miếng về tích trữ nhưng nay với xu thế hiện đại, việc tích lũy này không còn là “mốt” nữa. Vì thế, mỗi khi có một khoản dư dả, chị Hiền lại tìm một món hàng trang sức như nhẫn, bông tai bằng vàng trắng để mua. Theo chị Hiền thì vàng trắng vừa có thể đeo làm trang sức hợp thời trang lại vẫn giúp chị “giữ của” an toàn. 

Trong mấy năm trở lại đây, nhận thấy thị trường vàng trang sức tăng trưởng tốt nên các doanh nghiệp ngành này đã không ngừng mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đơn cử như PNJ đã liên tục mở trên 30 cửa hàng trong năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này có tới 353 cửa hàng, phủ rộng trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp khác như SJC hiện có 50 cửa hàng, Doji có khoảng 47, còn Công ty Bến Thành - Precita đạt con số 15 cửa hàng… Một doanh nghiệp ngành này chia sẻ, do thị trường tăng trưởng khá nên trong năm 2020, ngoài mở thêm một số cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại thì doanh nghiệp này sẽ mở thêm ít nhất gần chục cửa hàng đơn lẻ có quy mô lớn ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, để thị trường vàng trang sức phát triển, nhiều ý kiến cho rằng ngoài sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp thì ngay tại các trung tâm thương mại cũng nên có sự phân bổ diện tích hợp lý hơn. Cụ thể, kinh doanh vàng trang sức cần được các nhà vận hành trung tâm thương mại coi là một lĩnh vực bán lẻ như các ngành thời trang khác, thay vì chỉ có một diện tích nhỏ như hiện nay, bởi lĩnh vực này có mức tăng trưởng và doanh thu tương đối lớn.

Tin cùng chuyên mục