Nhộn nhịp kinh doanh hàng hóa qua mạng

Các đơn hàng trực tuyến vẫn tăng mạnh từ đầu năm đến nay, bởi tâm lý chung của người tiêu dùng muốn được giao hàng nhanh, thích lựa hàng từ xa. Nắm bắt xu hướng này, các sàn thương mại điện tử, người kinh doanh nhỏ lẻ… không ngại lăn xả phục vụ khách. Đa dạng nguồn hàng, đi chợ giùm khách… tiếp tục “chiếm sóng” điện thoại thông minh, máy tính của các bà nội trợ. 
Nhận hàng đặt mua online. Ảnh: CAO THĂNG
Nhận hàng đặt mua online. Ảnh: CAO THĂNG

Mới đây, sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, ngành hàng tươi sống (tôm hùm, tôm sú, hàu sữa, rau củ quả…) bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan. Tổng số đặt giao nhanh của ngành hàng này chiếm hơn 40% tổng số giao nhanh của toàn ngành bách hóa. Mặt hàng tươi sống được quan tâm nhất trên sàn này là hải sản, thịt và trái cây cao cấp…

Theo đó, sàn này công bố chỉ phối hợp với các đối tác đáng tin cậy, tuyển chọn thực phẩm kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Mô hình vận hành hiện tại được áp dụng cho dịch vụ là nhà bán giao hàng (Seller Delivery), tức là các đối tác bán hàng sẽ chủ động lấy hàng và giao đến người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm được đảm bảo khi đến tay khách hàng. 

Tương tự, với Lazada lượng đơn đặt mua hàng tươi sống trực tuyến vẫn tăng mạnh so với ngày thường, có thời điểm đơn hàng tăng lên tới 40 lần, do nhu cầu mua sắm đa dạng hàng hóa tiêu dùng của người dân không giảm, thậm chí còn gia tăng gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của mua sắm, đi chợ giúp khách trực tuyến.

Mới đây, lãnh đạo chuỗi mỹ phẩm AB Beauty World cũng thông tin sẽ lần lượt mở thêm các siêu thị chuyên doanh sản phẩm chăm sóc da, sữa tắm, thực phẩm chức năng các loại thuộc thương hiệu nội địa và quốc tế; phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Hàng hóa này sẽ được trưng bày tại siêu thị, giới thiệu trực tuyến trên các trang fanpage để khách mua tìm hiểu. 

Do sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 lần 2, khiến tỷ lệ người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao. Việc tìm đến các kênh bán hàng trực tuyến chưa bao giờ cấp bách đến thế. Chị Lê Thị Thúy (ngụ quận Tân Phú) cho hay, toàn bộ quần áo thời trang, mỹ phẩm... đều được chị mua từ các thương hiệu có uy tín, đầy đủ hóa đơn chứng từ. Sau đó, sản phẩm được rao bán trên Facebook, các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Khách hàng muốn mua chỉ việc đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử và chúng tôi sẽ giao trực tiếp đến khách. Khách được quyền đổi trả, phản hồi thoải mái về chất lượng, dịch vụ của chúng tôi.

“Đây là thời buổi kết nối để cùng phát triển. Khi cùng phối hợp làm việc trôi chảy, người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi”, chị Thúy nói.

Tin cùng chuyên mục