Nhóm ca truyền thống: Không chỉ có đam mê

Với các nhóm ca chuyên về nhạc truyền thống cách mạng hiện nay ở TPHCM, việc duy trì lực lượng, vượt khó để bám trụ với nghề phụ thuộc phần lớn vào tình yêu và niềm đam mê của các bạn trẻ với dòng nhạc này.

Nỗ lực duy trì hoạt động

TPHCM hiện có hơn 10 nhóm ca chuyên về nhạc cách mạng truyền thống hoạt động sôi nổi. Trong đó, có thể kể đến những cái tên quen thuộc mà khán giả yêu thích dòng nhạc cách mạng thường thấy trong các chương trình nghệ thuật như: Sen Việt, 135, Tre Việt, Mắt Ngọc, Sức Sống Mới, Mặt Trời Đỏ, Lạc Việt, Mặt Trời Mới, K3, Áo Lính… Ngoài ra, còn có nhiều nhóm ca của các trung tâm văn hóa quận, huyện, thường xuyên biểu diễn phục vụ ở địa phương 

Với nhóm ca chuyên nghiệp “chuyên trị” dòng nhạc truyền thống cách mạng, việc duy trì hoạt động nhóm không dễ dàng. Để giữ nhịp sinh hoạt, tập luyện, biểu diễn, trưởng nhóm phải có kinh nghiệm về quản lý, tổ chức, liên lạc kết nối, chọn bài, sắp xếp lịch tập, diễn…

Nhiều nhóm hoạt động theo hình thức tự do, không có công ty quản lý nên phần quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm âm nhạc bị hạn chế. Làm việc trong môi trường tập thể, các thành viên phải nhường nhịn nhau, cùng sẻ chia gian khó thì mới duy trì được đội hình làm việc lâu dài, nếu không sẽ dễ tan - hợp hoặc rã nhóm. 

Nhóm Sen Việt là một trong những nhóm ca hoạt động nổi bật hiện nay. Năm 2013, nhóm ra mắt với 3 thành viên, sau đó lên 4 thành viên. Đến cuối năm 2019, hai bạn tách nhóm hát độc lập, nhóm phải tìm thêm người cho đủ đội hình. Cũng từ lợi thế là mỗi người đều có thể hát độc lập, có chất riêng, nên cái khó của nhóm chính là tính cách của mỗi người. Trong hoạt động chung, các thành viên phải nhường nhịn, cảm thông và sẻ chia, cùng tuân thủ quy định cơ bản để phát triển nhóm. 

Hiện nay, thành viên các nhóm có thêm công việc tay trái để duy trì niềm đam mê ca hát. Có bạn làm việc tại các đơn vị văn hóa như Trung tâm Văn hóa TPHCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, Nhà Văn hóa Thanh Niên; có bạn kinh doanh phòng thu, mở lớp dạy thanh nhạc, đạo diễn âm nhạc, làm bảo hiểm, ngân hàng…

Ca sĩ - nhạc sĩ Lê Anh Tuấn (Nhà hát Nghệ thuật Bông Sen), trưởng nhóm Tre Việt, cho biết: “Cái khó chung của các nhóm ca chính là việc duy trì hoạt động, vì hầu hết các thành viên đều có công việc ổn định bên cạnh niềm đam mê ca hát. Hơn nữa, dòng nhạc truyền thống cách mạng cũng chỉ diễn phục vụ vào các dịp lễ, hội… nên show diễn không nhiều. Thực tế, các nhóm nỗ lực duy trì hoạt động cũng vì yêu nghề, yêu dòng nhạc truyền thống, muốn gìn giữ và phát triển dòng nhạc này”. 

Đổi mới, bắt nhịp thời đại

Để các ca khúc nhạc cách mạng đến với khán giả trẻ nhiều hơn, nhóm 135 thường đăng tải các clip biểu diễn và sản phẩm lên kênh YouTube, quảng cáo trên trang Facebook nhóm.

Ca sĩ - nhạc sĩ Đoàn Châu Hải Quân, Trưởng nhóm 135, tâm tư: “Hiện tại, phong cách và dòng nhạc nhóm chọn vẫn là nhạc quê hương, cách mạng. Nhóm cũng cố gắng thay đổi cách thức biểu diễn trẻ trung hơn qua các bản phối làm mới những ca khúc truyền thống theo phong cách giao hưởng hiện đại, kết hợp nhạc cụ dân tộc, để tạo tính giao thoa âm nhạc, giúp không gian thưởng thức nhạc không quá khô khan, dễ tiếp cận khán giả”. 

Trong quá trình hoạt động, nhóm Sen Việt đã ra mắt các MV Sen, Mái đình làng biển, Dáng em lụa là, album Bài ca thống nhất, Chim hòa bình… Khi thực hiện album, bên cạnh những bài hát tập thể, nhóm luôn có những ca khúc do từng thành viên hát solo.

Nhóm ca truyền thống: Không chỉ có đam mê ảnh 1 Nhóm Sen Việt và nhóm 135 là hai nhóm nhạc nổi bật với dòng nhạc truyền thống

Ca sĩ Tánh Linh, trưởng nhóm, cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó với dòng nhạc cách mạng, tôi cảm thấy các ca khúc truyền thống vẫn luôn tạo sức cuốn hút và được sự đón nhận hào hứng từ khán giả. Vấn đề này phụ thuộc nhiều vào cách thức trình diễn, thể hiện tác phẩm của từng nhóm ca. Khi biểu diễn, chúng tôi cố gắng kết nối với khán giả, giao lưu để tạo sự gần gũi. Mặt khác, nhóm cũng hướng theo xu thế thị trường để phát triển, hòa âm và phối lại các bài hát truyền thống nhằm chuyển tải sự tươi trẻ, mới mẻ, phù hợp thời đại”.  

Với các nhóm ca nhạc truyền thống cách mạng, họ vẫn luôn khát khao có thêm những chương trình, sân chơi âm nhạc đặc thù, để những trái tim tươi trẻ và đam mê âm nhạc cách mạng có nơi thể hiện tài năng, chung sức lan tỏa sâu rộng hơn những tác phẩm âm nhạc mang đậm các giá trị lịch sử trong đời sống hiện đại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cho rằng: “Các nhóm ca có đóng góp không nhỏ vào hoạt động văn hóa nghệ thuật chung của thành phố. Đa số các em có xuất thân từ những trường lớp đào tạo bài bản, tuy nhiên, các em cũng phải nỗ lực thay đổi, làm mới để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống”.

Tin cùng chuyên mục