Nhọc nhằn đường về quê ăn tết

Gần như năm nào cũng có cảnh người dân vật vờ chờ xe, chờ tàu về quê ăn tết. Hình ảnh mới nhất ghi nhận cảnh tượng người dân ngồi, nằm mệt mỏi chờ tàu ở ga đường sắt Sài Gòn do sự cố tàu SE1 trật bánh hôm 27-1 vừa qua, vẫn thấy xót xa. 

Cả năm làm việc mệt mỏi, ngày tết mong được thư giãn, đoàn viên với gia đình nhưng sao đường về quê nhọc nhằn đến thế.

Xót xa... nhưng ngẫm lại, trách các đơn vị vận tải, sao không tăng phương tiện phục vụ hành khách, cũng khó. Vào những ngày thường, rất hiếm có đơn vị vận tải nào dù là hoạt động trong lĩnh vực đường hàng không, đường bộ, đường sắt đạt công suất vận chuyển tối đa. Thậm chí, nhiều chuyến xe khách, nhiều đoàn tàu vẫn phải khởi hành khi lượng khách chưa đạt 50%/tổng số ghế. Tình trạng quá tải chỉ xảy ra vào các dịp lễ, tết mà cũng chỉ quá tải một chiều. Những ngày trước tết, tình trạng quá tải hướng đi từ TPHCM, Hà Nội về các tỉnh và những ngày sau tết thì ngược lại. Trong những ngày này, các đơn vị vận tải phải chấp nhận chạy “rỗng” một chiều. Chính vì vậy mới có chuyện năm nào các cơ quan chức năng ở TPHCM cũng phải đồng ý cho các đơn vị vận tải tăng giá vé 20%-40% so với ngày thường để bù đắp chiều chạy về không có khách. Với thực tế ấy, doanh nghiệp nào dám đầu tư thêm phương tiện chỉ để hoạt động cho mấy ngày tết?

Thực ra, không chỉ Việt Nam mới có cảnh người dân chen chúc, mệt mỏi chờ về quê ăn tết. Đất nước nằm kế cận chúng ta: Trung Quốc, cũng vậy. Theo nhiều chuyên gia, đây là vấn đề tất yếu xảy ra trong quá trình phát triển của nhiều quốc gia. Khi mà các đô thị lớn được tập trung vốn đầu tư, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn các địa phương còn lại thì đương nhiên nó sẽ thu hút người dân ở các địa phương ấy đến làm việc. Chưa kể, ở các đô thị lớn, còn tập trung nhiều trường học, các trung tâm y tế, khoa học chất lượng cao. Tất cả đều tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người ở nơi khác… Do vậy, chỉ có một cách giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, đó là đừng để người dân phải “ly hương”.

Thế nhưng, dù nội dung chỉ gói gọn trong mấy chữ ấy song giải quyết chẳng dễ. Nguyễn Văn Thanh - một thanh niên 22 tuổi đến từ Đức Trọng, Lâm Đồng và đã có “thâm niên” làm dịch vụ giao hàng hơn 3 năm tại TPHCM, cho biết lý do tại sao phải xuống Sài Gòn làm việc: “Ở quê trồng trọt không đủ sống nên phải xuống đây. Chưa kể, ở địa phương làm cái gì cũng khó. Cán bộ xã rất ít khi giúp dân mà thường ngược lại…”. Câu chuyện của Thanh không phải cá biệt. Người viết bài này đã gặp không ít hoàn cảnh như Thanh. Người dân ở nhiều địa phương xa không những bị thiệt thòi vì ít được Nhà nước đầu tư mà còn khốn khổ với cán bộ ở đấy. Với đồng lương chỉ vài ba triệu đồng/tháng/người, chẳng mấy cán bộ có nhiệt tâm giúp dân.

Thế nên, để giải bài toán quá tải tàu, xe nêu trên, phải có các giải pháp ở tầm quốc gia. Nhà nước phải xem lại công tác đầu tư và đặc biệt là công tác cán bộ. Đã và đang có nhiều thanh niên muốn trở về quê lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương của mình nhưng vướng “lệ làng”. “Lệ làng” từ những cán bộ phường, xã biến chất. Nâng chất cán bộ, chống tham những đang được Đảng và Chính phủ tiến hành quyết liệt nhưng việc củng cố lại cán bộ cấp phường, xã ở nhiều địa phương dường như lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, họ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường làm ăn sinh sống cho người dân bởi lẽ họ là người trực tiếp làm việc với dân. Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước sẽ không đến được với người dân nếu bị những cán bộ này cản trở. Đặc biệt đối với người dân nông thôn, ít có dịp và có khả năng chủ động lấy thông tin một cách độc lập. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư cũng nên có những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu, xa.

TPHCM và Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng quá tải ở rất nhiều mặt từ giao thông, môi trường cho tới trường học, bệnh viện. Do vậy, giải được bài toán không phải “ly hương” cho người dân, không những giải được vấn đề quá tải tàu xe mỗi dịp xuân về tết đến mà còn giúp 2 thành phố này giải quyết được vấn nạn quá tải “toàn tập” nêu trên.

Tin cùng chuyên mục