Nhọc nhằn bảo hành sản phẩm

Những năm gần đây, người tiêu dùng đã lựa chọn mua hàng điện tử tại các cửa hàng, trung tâm thương mại thay vì mua hàng trôi nổi ở bên ngoài. Bởi lẽ, họ luôn tin tưởng sẽ được sự chăm sóc, chính sách bảo hành sản phẩm đơn giản, dễ dàng, tiện lợi… Nguyên tắc là như vậy, nhưng để được chế độ hậu mãi như lời nhân viên bán hàng, thật sự không dễ!

Khổ vì cái sọc trên màn hình

Do bất cẩn, ông Tuấn Hoàng (phường 5, quận 3) làm rơi điện thoại di động Samsung Note 10+ và dọc màn hình phẳng phiu xuất hiện một vạch đen nhỏ như cọng chỉ. Ông liền đem điện thoại đến cửa hàng đã mua. Sau khi xem xét, nhân viên kỹ thuật xin giữ máy 3 ngày để đưa đến trạm bảo hành.

Ông Hoàng cho biết: “Mặc dù cửa hàng cho mượn máy khác nhưng tôi không đồng ý và đích thân đem điện thoại di động đến trạm bảo hành. Nhân viên kỹ thuật cho biết máy tôi còn thời gian bảo hành, việc khắc phục sẽ mất khoảng 2 tiếng, không đợi được thì đầu giờ chiều đến lấy máy. Tôi biết điện thoại của tôi bị hư màn hình, chi phí thay hơn 2 triệu đồng nên đã chuẩn bị tiền sẵn”. Nhận lại điện thoại, ông Hoàng khá hài lòng và càng vui hơn khi nhân viên kỹ thuật thông báo không tốn phí. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như ông Hoàng. Tháng 8-2020, vợ chồng ông Trần Việt Hòa (phường 10, quận 6) mua 1 tivi Samsung 55 inches. Đến tháng 7-2021, tivi xuất hiện 1 vạch nhỏ màu đen chạy dọc màn hình.

Ông Hòa nhiều lần liên hệ với Tổng đài chăm sóc khách hàng. Do trong thời gian giãn cách, giữa tháng 10-2021, nhân viên kỹ thuật mới đến nhà xem xét. Lúc này vạch đen đã khoảng 10cm và có một bệt xám khá to ở cuối màn hình. Kiểm tra, nhân viên kỹ thuật kết luận tivi bị nước vào và lỗi này không thuộc phạm vi bảo hành.

Nhọc nhằn bảo hành sản phẩm ảnh 1 Cái tivi hư ở nhà ông Hòa chỉ còn là… vật trang trí

Ông Hòa cho biết: “Khi mua tivi, nhân viên đến tận nhà giao máy, lắp đặt. Từ đó đến nay, nhà tôi không di chuyển tivi. Tôi báo tình trạng máy tháng 7-2021, thời điểm còn bảo hành. Nhưng 3 tháng sau - tháng 10-2021, họ mới đến kiểm tra và kết luận như vậy. Tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh màn hình bị một vạch nhỏ ban đầu. Chúng tôi đã liên hệ và cung cấp hình ảnh với công ty, nhưng họ thoái thác trách nhiệm”.

Thực tế, ông Hòa cho biết vị trí để tivi rất thoáng, khô ráo, không bị dột nước. Gia đình ông giữ gìn tivi khá cẩn thận, khi không sử dụng thì phủ tấm vải che lại…

Đá đông ở tủ… không đông đá

Từ lúc mua cái tủ lạnh, ông Lê Dũng, ở phường 1, quận Gò Vấp đã tốn nhiều thời gian liên hệ với cửa hàng. Ông Dũng cho biết: “Cách đây mấy tháng, tôi mua 1 tủ lạnh ở Cửa hàng Điện máy Chợ Lớn gần nhà, xài được vài ngày thì tủ trở chứng. Tôi mua cái tủ không đông nhưng thực tế… đá đông cứng, mỗi lần lấy thức ăn rất khó khăn. Đã vậy, chốt của khay đựng đá lại bị ngược, bật chốt đúng chiều thì cứng ngắc, bật ngược lại thì sợ gãy”.

Nhân viên kỹ thuật của cửa hàng cho biết chốt của khay đá bị gắn ngược, kỹ thuật không sửa được, phải đem về trạm bảo hành. Còn sự cố đông đá là do bị hở ron cao su. Tuy nhiên, sau khi bơm silicon, ngăn đá vẫn vậy. Ông Dũng tiếp tục liên hệ với cửa hàng nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. 

Một trường hợp khác, chị Minh Loan, ngụ chung cư Him Lam Nam Sài Gòn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, bức xúc phản ánh đến Báo SGGP: Tháng 4-2021, chị đến Trung tâm điện máy Nguyễn Kim (Trần Hưng Đạo, quận 1) mua 1 quạt máy hiệu Hawonkoo, Model: FAH- 101-7WINGS, xuất xứ tại Thái Lan, giá bán hơn 1,2 triệu đồng. 10 ngày sau, các con chị đùa giỡn làm ngã cây quạt, vỡ cánh quạt. Trở lại nơi bán hàng, chị nhận được câu trả lời… không có phụ tùng thay thế, nhân viên ở đây cho số của nhà sản xuất là 19002270.

Liên lạc số trên, lễ tân nói rằng, kho ở quận 12 nên việc vận chuyển mất 2 tuần. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát mạnh, TPHCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên việc thay cánh quạt phải trì hoãn. Tháng 12, chị Loan liên lạc lại với số trên thì nhận được sự hẹn hò qua quýt. “Cây quạt giờ vứt trong xó, bụi phủ đầy, trục quạt bắt đầu gỉ sét, tôi không biết phải làm sao”, chị Loan ta thán. 

Theo Cục bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện như sau: “Hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp”.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ nhiều trách nhiệm cụ thể về bảo hành được quy định tại Điều 21 và các điều khác của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện, Bộ Công thương đang lấy ý kiến người dân về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Sắp tới, hàng loạt những nội dung, tồn tại, hạn chế của luật này sẽ được xem xét, đánh giá toàn diện, chi tiết sau khi tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội. Cùng với đó là ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, tổ chức xã hội… nhằm xây dựng quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, thêm chính sách thúc đẩy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục