Nhớ thương đồng đội

Trở về với đời thường, dù trải qua nhiều công việc, chức vụ khác nhau, nhưng người cựu tù Côn Đảo Hai Thiện vẫn canh cánh trong lòng về sự hy sinh mất mát của đồng chí, đồng đội. Ông tự thu thập tư liệu, thông tin rồi cất công đi tìm hài cốt chiến hữu, bạn bè. 

Ngày thoát ly gia đình, cha mẹ ông Hai đã căn dặn làm việc gì phải có trách nhiệm, làm cho trót và sống thì phải nghĩa tình. Chính vì lời dạy đó, hơn 40 năm qua, ông Hai Thiện (Phạm Đình Toàn, 79 tuổi, ngụ đường Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4) đã âm thầm làm bia tưởng niệm, đám giỗ cho các đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Ngoài việc xây nhà cho đồng đội, chăm lo đám giỗ cho Mẹ Việt Nam Anh hùng…, mới đây trong khi dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta, ông Hai Thiện đã lấy tiền tiết kiệm để giúp đỡ những phận nghèo ở địa phương.

Nhớ thương đồng đội ảnh 1 Ông Hai Thiện trước tấm bia ghi danh các đồng đội đã hy sinh
Việt cộng đông lắm!

Học “hết chữ” ở quê nhà (làng Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - nay là xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn), ông Hai Thiện về Sài Gòn để tiếp tục việc học. Thực chất của chuyến đi này là tìm liên lạc với vùng kháng chiến. Năm 1963, ngay tại buổi hội thảo về “Thanh niên, học sinh trước thời cuộc”, cậu học sinh đã được các cô, chú có cảm tình với cách mạng lưu tâm. Trước hàng trăm sinh viên và ngay tại “thủ đô” của chính quyền Sài Gòn, ông Hai Thiện dõng dạc thuyết trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Kể lại chuyện đó, ông Hai Thiện cười cười: “Lúc đó, phong trào đấu tranh phản chiến, chống chính quyền Sài Gòn diễn ra ở khắp các tỉnh, thành miền Nam. Các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia biểu tình. Thật ra thời điểm đó, tôi vẫn chưa biết Bác Hồ, nhưng lập luận của tôi đã khiến cho hội thảo sôi động và người nghe bất ngờ. Với chủ đề chống chiến tranh, tôi phát biểu là tại sao chưa bao giờ nghe ở miền Bắc có biểu tình và ông Hồ Chí Minh đã lãnh đạo như thế nào mà người dân ở miền Bắc sống yên ổn như vậy?”.

Ông Hai Thiện được các anh em đưa vào tổ chức, tiếp tục tham gia phong trào của học sinh - sinh viên và giữ chức vụ Chủ tịch lực lượng chống chiến tranh, đòi hòa bình, Ủy viên Ban chấp hành Tổng đoàn học sinh, sinh viên. Đến năm 1965, do phong trào bị lộ, ông Hai Thiện được điều vào chiến khu Phú An, tỉnh Bình Dương.

Cuối năm 1965, ông được phân công trong Ban cán sự Đoàn phân khu 3, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Thời gian này, ông Hai Thiện xây dựng lực lượng. Cuối năm 1967, lực lượng vũ trang tuyên truyền Phân khu đoàn phân khu 3 được thành lập, lấy tên là Đội vũ trang tuyên truyền Trung Dũng, do đồng chí Ba Tâm (Cao Văn Lệnh là Đội trưởng).

Trong thời điểm cận Tết Mậu Thân, ông Hai Thiện được tổ chức phân công giữ chức vụ Đội phó Đội vũ trang tuyên truyền Phân khu 3, phụ trách các quận 2, 4, 8, Nam Bình Chánh, Nhà Bè. Ông cùng các đồng đội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền vũ trang tại hẻm Hãng Phân, hẻm Hiệp Thành… Sự linh động, sáng tạo của ông Hai Thiện và đồng đội trong tuyên truyền vũ trang đã nhiều lần làm cho chính quyền Sài Gòn hoang mang, thất điên, bát đảo.

Trong một lần tổ chức phát truyền đơn với nội dung tuyên truyền thắng lợi mùa khô năm 1966-1967 và treo cờ giải phóng ở điểm chiếu TV công cộng đầu lô F, cư xá Vĩnh Hội, cảnh sát ngụy hay tin kéo đến. Nhờ sự chở che của người dân và cấp báo kịp thời của đồng đội, ông Hai Thiện cùng anh em ung dung đi ra và không quên báo cho cảnh sát ngụy rằng: Việt cộng trong đó đông lắm!

Anh dũng trong lòng địch

Trước khi diễn ra trận đánh Tết Mậu Thân, ông Hai Thiện được bố trí về đơn vị Đoàn khởi nghĩa quận 4 và chỉ định là Bí thư Chi bộ phường Khánh Hội. Nhiệm vụ lúc bấy giờ của ông là tiếp xúc một số cơ sở hoạt động trong lòng địch để bố trí chỗ ăn, ở cho một số cán bộ chuẩn bị lực lượng vận động quần chúng nổi dậy. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà lực lượng vũ trang quận 4 chưa nhận được lệnh tấn công. Trong diễn biến như vậy, một cuộc chạm trán giữa ta và địch ở khu vực Sở Rác đã xảy ra.

Ông Hai Thiện bồi hồi kể lại: “Lúc đó, tôi đang trú ngụ ở cư xá Vĩnh Hội. Ngày hôm sau, qua nghe ngóng tình hình thì được biết, đó là cánh quân của quận 2 (nay là quận 1) do đồng chí Cao Văn Lệnh (tức Ba Tâm, Thường vụ Quận ủy quận 2) chỉ huy được lệnh qua quận 4 để đón một đơn vị bộ đội từ bên kia bờ kênh Tẻ, huyện Nhà Bè. Dựa vào sức mạnh của quần chúng, sự che chở của người dân, các anh kiên cường chiến đấu, gây cho địch nhiều tổn thất. Rạng sáng mồng 5 Tết Mậu Thân, để bảo toàn lực lượng, cấp trên đã chỉ đạo rút quân. Một số cán bộ đã tình nguyện ở lại để đánh chặn đường. Các anh Ba Tâm, Mai Lợi Trinh (Phó Bí thư Quận ủy quận 2), Lê Minh Chánh, Nguyễn Văn Long đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu không cân sức đó. Riêng tôi, vài ngày sau cũng bị địch bắt tại đường Hoàng Diệu”.

Cũng như bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ khác bị địch bắt bớ, tù đày, ông Hai Thiện chịu nhiều đòn roi khốc liệt. Hơn nửa năm trời, trải qua các trại giam bót Bà Hòa, Tổng nha cảnh sát, Chí Hòa…, nhưng tấm lòng kiên trung với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông Hai Thiện đã cắn răng chịu đựng, không khai. Trước khi ra tòa, ông Hai Thiện cùng đồng đội lại tiếp tục đấu tranh đòi yêu sách, chính sách. Chính quyền Sài Gòn đày ông ra Côn Đảo với bản án 8 năm tù khổ sai vì tội phá rối trật tự trị an.

Đồng đội ơi!

 Trở về đời thường, dù trải qua công việc, chức vụ gì, ông vẫn canh cánh, nặng lòng với sự hy sinh anh dũng của đồng chí, đồng đội. Ngay nơi xảy ra trận đánh oanh liệt ở quận 4 vào ngày mùng 5 Tết Mậu Thân, ông đã vận động kinh phí và đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng bia tưởng niệm.

Ông Hai Thiện cho biết: “Chính nhờ bia tưởng niệm đó, chúng tôi đã tìm được gia đình của anh Ba Tâm và đồng đội. Qua chắt lọc thông tin, chúng tôi và gia đình đã tìm được hài cốt của các anh. Mừng vui lắm!”. Kể từ năm 1976, cứ đúng ngày mùng 5 Tết, tôi tự nguyện làm đám giỗ cho các anh và đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong trận đánh Mậu Thân tại nhà của mình”. Các ban, ngành, đoàn thể ở phường 3, ở quận 4 đã đến thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Việc làm nghĩa tình đã lan tỏa rộng khắp và mới đây Đoàn thanh niên quận 4 đã đề nghị chung tay.

Ông Nguyễn Văn Trai, cựu tù Côn Đảo, Tổ trưởng Tổ liên lạc cựu tù phường 4 quận 4, cho biết: “Kiên trung với cách mạng là thế, dũng cảm trước quân thù là vậy, nhưng ông Hai Thiện lại rất nhạy cảm với nỗi khổ của đồng chí, đồng đội. Ngoài việc tổ chức đám giỗ cho anh em, trong những ngày lễ tết, ông còn vận động, trích kinh phí thăm hỏi, tặng quà cho các cựu tù chính trị, viếng thăm các đồng chí cựu tù đã mất, hỗ trợ cán bộ ở địa phương gặp khó khăn trong cuộc sống. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng cứ biết đồng chí, đồng đội gặp khó khăn là ông đến tận nơi để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ông đã dành tất cả tiền lương hưu, tiền tiết kiệm để hỗ trợ đồng chí, đồng đội, tặng hàng trăm phần quà cho các gia đình gặp khó khăn”.

Tin cùng chuyên mục