Nhớ những ngày hành quân vào chiến trường miền Nam

Tối 15-4, VTV1 đã chiếu bộ phim tài liệu Cuộc tìm kiếm người lính trẻ Việt Nam của một nhà quay phim người Nhật đã khiến rất nhiều người lính như chúng tôi lại rơi lệ xúc động vì nhớ lại những ngày hành quân vào chiến trường miền Nam.
Đoàn quân thần tốc vượt đèo Cả tiến về Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Đoàn quân thần tốc vượt đèo Cả tiến về Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
 Trong câu chuyện giữa những người tìm kiếm và các “nhân chứng” trong phim, có một số thông tin có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu đó là sự gian khổ, ác liệt, hy sinh của những người lính trẻ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. 
Chúng tôi đã hành quân bộ từ xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vào chiến trường miền Đông Nam bộ với thời gian cả đi và dừng lại dọc đường hơn 6 tháng. Trong thời gian khoảng hơn 2 tháng hành quân trên đất miền Bắc, chúng tôi phải ngày nghỉ đêm đi để tránh máy bay địch. Do phải mang vác nặng quân trang, vũ khí, lương thực, thực phẩm trên vai nên cả vai và chân đều bị sưng phồng và bỏng rát. Những ngày đầu hành quân, chúng tôi đã phải đi cả đêm mới tới được trạm giao liên cho dù trạm nọ cách trạm kia chỉ khoảng 30km.
Hồi đó, người dân ở các trạm giao liên cũng cực khổ không kém gì bộ đội, họ vừa chia tay chúng tôi lúc chiều tối, lại lo đón các chú bộ đội khác đến nhà lúc ba bốn giờ sáng. Họ còn phụ giúp bộ đội chuẩn bị thức ăn, nước uống cho cả ngày và buổi tối hành quân hôm sau. Nhiều gia đình còn nấu sẵn nồi nước nóng để bộ đội đến nhà đã có nước nóng ngâm chân. Vào đến Trường Sơn, chúng tôi được chuyển sang hành quân ban ngày. Nhắc tới đường Trường Sơn, tôi lại nhớ tới những vần thơ trong bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã nói hộ tâm tình những người lính chúng tôi: 
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo 
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi em có lấy măng không…
Chúng tôi đã hành quân qua nhiều núi cao, trong đó có dốc núi phải leo cả ngày mới qua được, phải hành quân qua dốc đá dựng đứng phải làm thang để qua như dốc Ba Thang, phải qua vùng núi khô hạn phải dùng vải xô để lọc nước ăn uống, phải qua những khu rừng khộp, ban ngày nắng nóng đến khô người nhưng ban đêm thì lạnh giá phải đào hầm, trải lá khô bên dưới mới ngủ được.
Các trạm giao liên trên đường Trường Sơn thường đặt ở vị trí xa sông suối để tránh pháo của kẻ thù nên việc chuẩn bị cho bữa ăn tối, vắt cơm bữa sáng và trưa ngày hôm sau cũng rất khó khăn. Do đường hành quân vô cùng gian khổ (khẩu phần ăn của mỗi người chỉ 600 gram gạo/ngày, còn thức ăn chủ yếu là rau rừng nấu muối, bột ngọt), nên số người bị bệnh sốt rét trong đơn vị ngày một nhiều, người khỏe phải mang vác thay cho người bệnh nên cung đường hành quân cảm thấy dài hơn. Ngoài ăn uống cực khổ và căn bệnh sốt rét rừng không chừa một ai, chúng tôi còn lo đối phó với biệt kích, thám báo và máy bay địch quần đảo ngày đêm trên đầu. Chỉ cần nghi vấn có sự sống của bộ đội ta dưới tán lá cây rừng là từng đàn máy bay của địch (phản lực, trực thăng) đã đến bắn phá điên cuồng, cày nát cả khu rừng…

Cho dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm về đường hành quân ra mặt trận vẫn không phai mờ trong tâm trí người lính chúng tôi. Đường hành quân vô cùng gian khổ, ác liệt, hy sinh, không loại giấy mực nào có thể lột tả hết được, nhưng chúng tôi đã vượt qua được chính mình, đã vào được chiến trường nơi quân đội cần tới và rồi là cùng vỡ òa niềm vui, sự tự hào khi còn sống để chứng kiến được đất nước ngày thống nhất.

Tin cùng chuyên mục