Nhớ người thầy mặc áo lính

Hay tin ông qua đời, chúng tôi nhanh chóng cùng nhau quân phục chỉnh tề tới Nhà Tang lễ quốc gia tại số 5 đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM tiễn biệt ông. Ông nằm đó như đang ngủ. Bức ảnh chân dung mặc quân phục với nụ cười phúc hậu của ông khiến mọi người nghĩ ông chưa đi xa, chỉ nghỉ lưng sau một chặng đường dài gần một thế kỷ. 

Tôi nhớ lại cách đây gần 40 năm, khi thành phố vừa giải phóng, lớp trẻ chúng tôi - những phóng viên của Báo Quân khu 7: Vũ Xiêm, Xuân Hòa, Trần Thế Tuyển... là lính trực tiếp dưới quyền ông. Dáng người cao lớn, đường bệ, ai mới gặp cũng nghĩ khó gần ông. Nhưng ngược lại, với giọng nói dịu dàng, ấm áp, ông - Đại tá Phạm Thành Hưng, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 - lại dễ bị ông thuyết phục. Tôi nhớ mãi một buổi chiều mưa, tôi lên văn phòng Cục Chính trị Quân khu 7 gặp ông thông qua các bài cho số báo mới. Lúc ấy, theo cơ chế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu trực tiếp làm Tổng Biên tập Báo Quân khu 7. Người thủ trưởng quê miền Tây Nam bộ, lên đường tập kết ra miền Bắc từ bến Chắc Băng (năm 1954), dạn dày trận mạc thật khiêm nhường. Ông căn dặn: Nghề văn chương, báo chí là của các cậu. Mình chỉ “gác” cho các cậu về mặt chính trị thôi. Phải làm sao viết cho dễ hiểu, cho hấp dẫn, đặc biệt phải thật chính xác để mọi người cùng đọc, nhất là chiến sĩ trẻ. 

Những lời căn dặn của ông, trong suốt quá trình hơn 40 năm hoạt động báo chí, tôi không bao giờ quên. Trước trang giấy, khi cầm viết tác nghiệp và đặc biệt sau này làm quản lý báo chí và giảng dạy cho sinh viên, tôi không quên nhắc lại lời nhắn nhủ của ông. Hồi ông còn khỏe, tôi nhắc lại kỷ niệm ấy, ông nói như thanh minh: “Lời ấy không phải của mình mà là của Bác Hồ. Mình nhớ không lầm, Cụ Hồ dặn rằng khi cầm viết nên đặt câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?...”. Tôi nghe từng lời ông nói mà càng trân trọng đức khiêm nhường của ông. Mỗi lần dùng viết đỏ biên tập bài của chúng tôi, ông rất cẩn trọng. Ông tâm sự: “Văn là người. Bài báo, dù là mẩu tin cũng là sản phẩm trí tuệ, đứa con tinh thần của người viết. Sửa bài không thể áp đặt ý chí chủ quan của người biên tập mà phải tôn trọng ý tưởng và sức lao động của tác giả bài báo ấy”. Người thủ trưởng cũ, người thầy của chúng tôi với một quá trình cống hiến to lớn, trình độ uyên thâm, đã ứng xử với chúng tôi rất nhân văn như thế. 

Đại tá Nguyễn Văn Bạch, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 5 và Thượng tá Võ Văn Sô, Phó ban, vừa kể vừa cho tôi xem đoạn clip mà các ông ghi lại mới đây khi vào thăm vị thủ trưởng cũ Phạm Thành Hưng tại Bệnh viện Thống Nhất: Đã 94 tuổi, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm, nhưng gặp lại đồng đội, ông Năm Hưng như thấy mình hết bệnh. Ông đọc những bài thơ ông mới viết và cao hứng hát những bài ca truyền thống của người lính...

Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng với lòng kính trọng, đồng đội - những người lính của ông khắp nơi kéo nhau về tiễn biệt ông. Một cựu phóng viên Báo Quân khu 7, thời Đại tá Phạm Thành Hưng trực tiếp làm Tổng Biên tập, ghi vào sổ tang với những dòng chữ chân thành, xúc động: “...Anh đích thực là người lính bộ đội Cụ Hồ truyền cảm hứng cách mạng cho lớp trẻ chúng em. Những người cầm viết chúng em sẽ viết nữa, viết mãi về những tấm gương bình dị mà cao quý ấy...”.

Thắp hương vĩnh biệt thủ trưởng cũ, đọc những lời cảm tưởng trong sổ tang, tôi như thấy người chung chiêng giữa thực và mơ; giữa quá khứ và hiện tại. Con người là sản phẩm xã hội. Đã một thời có một thế hệ bộ đội Cụ Hồ như thế. Và, thủ trưởng cũ của chúng tôi - Đại tá Phạm Thành Hưng là một người như thế! 

Tin cùng chuyên mục