Nhớ mãi kỷ niệm về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Từ một người lính nhập ngũ thời chống Pháp, đi suốt mấy cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Thượng tướng Lê Khả Phiêu trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Ở bất cứ cương vị công tác, trọng trách nào, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong ông. Vinh dự được làm lính, được gần gũi bên ông, tôi nhớ mãi những kỷ niệm không thể phai mờ. 

Đó là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đồng chí Lê Khả Phiêu từ Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Khoảng cuối năm 1989, kết thúc chuyến công tác phía Nam, đồng chí ghé thăm Ban Đại diện thường trực Báo QĐND đóng quân tại số 63 đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Với tác phong sâu sát, gần gũi, đồng chí trò chuyện với chúng tôi thật cởi mở, chân tình, ân cần thăm hỏi việc làm báo và đời sống của cán bộ, phóng viên, công nhân viên trong cơ quan. Nghe Đại tá Vũ Linh, Trưởng Ban đại diện báo cáo xong, đồng chí Lê Khả Phiêu căn dặn: “Trong lúc cả nước đang khó khăn, các đồng chí cần năng động cải thiện nâng cao đời sống cho anh em”. Đồng chí còn chỉ cách tiếp cận với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tăng gia sản xuất để chăm lo bữa ăn cho anh em. Nghe báo cáo về nghiệp vụ làm báo, ông quay sang hỏi nhà báo Phạm Đình Trọng (lúc ấy là Phó Ban đại diện): “Thực hư việc bài báo “Hậu quả nạn video đen - một vụ án đau lòng” mới đăng trên một tờ báo đoàn thể như thế nào? Báo QĐND cần cử phóng viên tìm hiểu. Nếu đúng nên viết bài phân tích, đề xuất biện pháp ngăn chặn. Ngược lại, không đúng sự thật cần phê phán, yêu cầu tờ báo đó phải cải chính, xin lỗi. Không được xúc phạm đến danh dự Bộ đội Cụ Hồ; đặc biệt các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đang ngày đêm chiến đấu gian khổ trên chiến trường nước bạn”. 

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, một mặt báo cáo với Tổng Biên tập Trần Công Mân tại Hà Nội, mặt khác chỉ huy Ban đại diện giao cho tôi tổ chức nhóm phóng viên điều tra sự thật về bài báo đang gây xôn xao dư luận này. Chúng tôi đã đến nơi xảy ra vụ án, trực tiếp gặp lãnh đạo đơn vị, địa phương được đề cập trong bài báo và cuối cùng gặp tác giả bài báo. Thật đáng tiếc, đó là bài báo không đúng sự thật. Tác giả bài báo biện minh rằng, mục đích muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tác hại của nạn video đen, nên đã “phịa” ra câu chuyện trên.

Thông tin sai sự thật, người viết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rốt cuộc, tác giả bài báo phải “hầu tòa”, công khai xin lỗi bạn đọc; đặc biệt các chiến sĩ tình nguyện đang làm nhiệm vụ ở Campuchia và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thời gian sau, trong chuyến công tác phía Nam, tôi tháp tùng đồng chí Lê Khả Phiêu thăm và làm việc tại một đơn vị quân đội, giờ nghỉ gặp tôi, đồng chí khen Báo QĐND và căn dặn các nhà báo Báo QĐND không bao giờ được đi vào “vết xe đổ”  ấy. 

Một kỷ niệm khác, cuối năm 2009, tôi chuyển về làm Báo SGGP và được gặp đồng chí trong một hội nghị tại Thủ đô Hà Nội. Lúc ấy, ông không còn làm Tổng Bí thư nữa, nhưng vẫn theo sát các sự kiện chính trị của đất nước, nhất là các hoạt động tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng. Ông vui vẻ vỗ vai tôi: “Tớ mới đọc loạt bài “Học thuyết Mác - Lê nin và CNXH - trào lưu hay quy luật tất yếu?” đăng trên Báo SGGP của các cậu. Nhạy bén, đúng lúc cả lý luận và thực tiễn. Nhưng theo tớ cần chú trọng thực tiễn để làm cho bạn đọc hiểu thêm rằng, ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, học thuyết Mác - Lê nin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và CNXH vẫn là định hướng đúng, đang đi vào cuộc sống...”.

Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì, nguyên Tổng Bí thư có bao nhiêu việc cần quan tâm mà vẫn đọc Báo SGGP và có nhận xét xác đáng. Lo vì đề cập tới một đề tài, lĩnh vực “hóc búa” như thế không biết chúng tôi có đủ sức để thực hiện mong muốn góp phần khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng ta về xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trước bối cảnh biến động khó lường của tình hình thế giới. Đến khi loạt bài chính luận trên của Báo SGGP được dư luận ủng hộ, nhiều tướng lĩnh, nhà quản lý xã hội, nhà khoa học vào cuộc và đặc biệt, Thành ủy trao bằng khen; Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo thành phố trao giải thưởng, chúng tôi mới “thở phào”. Gặp tôi sau đó tại TPHCM, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu động viên: “Tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác phải như thế. Phải kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Phải dũng cảm, tiếp cận một cách khoa học các vấn đề vĩ mô, góp phần định hướng dư luận, thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. 

Giữa mùa dịch Covid-19 không có dịp ra thủ đô tiễn biệt đồng chí - Thượng tướng Lê Khả Phiêu - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhỏ này như nén tâm nhang tưởng nhớ một người lính Bộ đội Cụ Hồ - một vị tướng cả đời xông pha trận mạc - một trong những Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng và nhân dân ta.

Tin cùng chuyên mục