Nhớ chú Mười Hương!

Dẫu biết ở tuổi gần 100, bệnh nặng, ngày ra đi của chú Mười Hương không còn bao lâu nữa, nhưng khi được tin chú mất lại thấy quá đột ngột, xót xa. Hình ảnh chú Mười ùa về, tràn ngập - một nhà lãnh đạo đáng kính và gần gũi nhường nào. 
Đồng chí Trần Quốc Hương nhận Huân chương Sao Vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2006. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Quốc Hương nhận Huân chương Sao Vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2006. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với Thành đoàn TPHCM, chú Mười Hương để lại ấn tượng sâu sắc. Chú là một trong những nhà lãnh đạo luôn quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ. Những ngày thành phố mới được giải phóng, theo sự chỉ đạo trực tiếp của chú, đã có những Ủy viên Thường vụ Thành đoàn 18 - 20 tuổi, xuất thân từ công nhân.

Chú Trần Quốc Hương sinh năm 1924 ở vùng quê chiêm trũng của tỉnh Hà Nam. Cha là nhà nho, trọng đạo lý, thường dùng tích cổ giảng đạo lý cho các con để nhớ lâu. Mẹ nhà nghèo đi cấy thuê, hát ví hay và luôn dạy con chữ nhẫn. Tuổi nhỏ sống ở một làng quê yêu nước, được cụ Phan Bội Châu hay tới lui, nên chú Mười Hương sớm giác ngộ cách mạng.

Chú Mười Hương tham gia cách mạng khi chưa tròn 15 tuổi, trong phong trào Thanh niên Dân chủ sau khi học xong tiểu học và lên Hà Nội hoạt động. Năm 1939, chú bị địch bắt, bị tra khảo. Năm 1941, chú lại bị bắt. Ra tù, chú được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ trong Ban Công tác Đội, thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. An toàn khu bấy giờ ở ngay tại Đông Anh, Từ Liêm, Hà Nội. Đó là hệ thống căn cứ của Đảng được xây ngay trong lòng địch.

Công tác Đội, đó là Đội Cảnh vệ thời kỳ trứng nước, nhiệm vụ gần như tổ chức tiền thân của ngành công an sau này. Bấy giờ chú Mười Hương được phân công bảo vệ đồng chí Trường Chinh. Chú Mười Hương vận động trí thức, sinh viên, các giới đồng bào đứng vào hàng ngũ Việt Minh, tổ chức binh vận cả lính Pháp. Chú vận động bác sĩ lo thuốc men, làm mọi việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các chuyến đi cơ sở cho các đồng chí lãnh đạo. Chú còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động báo chí, củng cố an toàn khu - chiến khu Việt Bắc thời kỳ đầu kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tình báo phục vụ cho chiến dịch quân sự. Năm 1948, chú Mười Hương được chuyển qua làm tình báo quân sự. Là người phụ trách lưới tình báo H10 - A22, chú Mười Hương được xem là người viết kịch bản cho những nhà tình báo nổi tiếng (như Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn). Đó là những nhà tình báo tài năng, hoạt động đơn tuyến, sống trong môi trường đầy thử thách, hiểm nguy và đã thành công.

Được phân công vào miền Nam, sau đó chú Mười Hương lại bị địch bắt giam từ 1958 đến 1963. Trong lao tù, chú đã liên tục đấu trí ở trại giam, với Tòa Khâm sai Huế. Chú vẫn còn nhớ, trong 6 năm ở tù chỉ có một bộ quần áo, thường ăn cơm sống nên bị bệnh tê bại, bị trĩ nặng, tiêu ra máu. Không ít lần kẻ địch chuyển hướng áp dụng chính sách dụ dỗ chú, nhưng chúng thất bại. Ra tù, sức khỏe yếu, chú được điều động ra miền Bắc, với công việc được giao là Đại tá Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an (tình báo kỹ thuật). Đây là cục lớn nhất của Bộ Công an lúc đó, phối hợp các lực lượng khác làm phá sản âm mưu dùng biệt kích đánh phá miền Bắc, canh gác bầu trời 24/24, chống gián điệp, phản gián kỹ thuật.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chú Mười Hương được điều động về miền Nam, nhận công tác ở Ban An ninh Miền, phụ trách an ninh đô thị và trinh sát vũ trang. Năm 1970, chú giữ nhiệm vụ Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4) cho tới 1975. Chú đã xây dựng lõm chính trị ở thành phố, liên hoàn với vành đai ngoại thành, với Củ Chi, Gò Vấp..., chuyển vũ khí vào nội thành. Chú quan tâm xây dựng lực lượng “ba”, tuyển chọn thanh niên, học sinh, thâm nhập sâu lực lượng Dương Văn Minh, góp phần làm chia rẽ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chú phụ trách cánh phía Bắc từ quận Tân Bình, quận 5, quận 6 qua Bà Chiểu...

Sau giải phóng, chú giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, phụ trách việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng chính quyền, phụ trách tổ chức, tiếp nhận nhiều nguồn cán bộ và luôn quan tâm bồi dưỡng, giao việc cho người trẻ, luôn quan tâm những cán bộ trưởng thành từ công nhân, từ thực tiễn. Chú thường làm việc với Thành đoàn và tham dự các hoạt động thanh thiếu nhi. Có lúc chú nhắc phải thận trọng trong việc này, việc kia, nhất là trong công tác cán bộ. Chú luôn truyền cho lớp trẻ hơi ấm từ tấm lòng chân thành của một nhà lãnh đạo từng trải, bằng tất cả sự tin yêu, kích thích họ làm việc và tạo cho người trẻ có cảm giác công bằng.

Cuộc đời chú là một cuộc đời đầy can đảm, tham dự vào nhiều sự kiện lớn lao của đất nước và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ hiểm nguy, trọng đại mà cho tới cuối đời chú cho rằng “không có gì phải ân hận”. Stalin từng nói: “Người tình báo giỏi trong chiến tranh có tác dụng hơn cả một binh đoàn”. Chú xứng đáng được ca ngợi là một con người có công lớn với đất nước. Kiểm điểm lại đời mình, chú cho rằng bao giờ chú cũng luôn có niềm tin yêu mãnh liệt vào con người và sống trung thực. Khi chi viện cán bộ vào Nam, Bác Hồ đã nói: “Chú ấy (Mười Hương) đánh giá đối tượng, con người đúng và chú ấy biết dùng người”. 

Suy nghĩ sâu sắc, trọng đạo đức, lương tâm, trung thực, thẳng thắn là phong cách của chú Mười Hương. Triết lý sống của chú là: Chịu đựng, sự thật sẽ chiến thắng. Chú luôn có niềm tin vào sự thật và không xu thời. Chú sống giản dị, bình tĩnh, bao dung, hay thương người bị hàm oan. Chú luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: Việc gì nhỏ nhất mà có lợi cho nước, cho dân thì nhỏ mấy cũng làm.

Có lúc, chúng tôi được đi cùng chú trên một chuyến bay, nghe chú nói về những điều tâm đắc đến rơi nước mắt. Trong các câu chuyện, chú hay nói về Bác Hồ. Chú cho rằng, người lãnh đạo không tỏ ra kiêu ngạo, không phải cái gì cũng đổ cho diễn biến hòa bình, ở đâu cũng có CIA. Chú thường nhắc các bạn chiến đấu: Làm công an, công tác tình báo và an ninh, cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng và bàn tay phải sạch. Như thế, làm cái gì cũng dễ, cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng. Trước khi sức khỏe suy giảm, điều chú lo nhất là Biển Đông, nhưng chú không sợ và luôn tin vào sức mạnh Việt Nam bởi chúng ta đã từng trải qua những thời kỳ gian khó, khắc nghiệt. 

Chú luôn tin vào người trẻ, cũng rất yên tâm và tự hào về con trai mình - Tiến sĩ Dầu khí Trần Hà Minh, năm nay 38 tuổi, hay phản biện, nghe có lý và rất thích.

Những năm sau này, tuổi cao, sức yếu nên việc đi lại khó khăn, nhưng thỉnh thoảng chú cũng đến dự những hội nghị hay những sự kiện do TPHCM tổ chức. Các lớp cán bộ được gặp chú như nhận được nhiều sự động viên, còn chú thì biểu lộ sự xúc động nhiều hơn nói thành lời. 

Trải qua nhiều trọng trách, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương (khóa VI), liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI…, với công lao to lớn, chú đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Chú Mười Hương - một nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương, một nhân cách đẹp. Xin kính tiễn chú Mười.

Thông báo của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, đồng chí Trần Quốc Hương (Nhà tình báo huyền thoại Mười Hương) sinh năm 1924, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 10 giờ 10 phút, ngày 11-6-2020 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng đồng chí Trần Quốc Hương sẽ được thông báo sau.

THÀNH AN

Tin cùng chuyên mục