Nhìn lại thế giới năm 2021

Năm 2021 nhiều biến động đang ở những ngày cuối cùng. Vòng xoáy tin tức trong năm nay đổ dồn về dịch Covid-19 và hệ lụy kéo theo là những cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trên toàn cầu. Báo SGGP điểm lại vài điểm nhấn trong năm nay với kỳ vọng năm mới 2022 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. 

Đợt sóng dữ mang tên “biến thể”

2021 là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế giới đối mặt với những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, gây nhiều tổn thất hơn khi một loạt biến thể mới virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Ngoài Delta và Omicron, Delta plus, Lambda và Mu cũng từng được cảnh báo trong năm. Biến thể Delta càn quét qua hầu hết các khu vực đúng lúc thế giới có phần “thả lỏng” vì cho rằng dịch sắp đến hồi kết.

Kết quả, hơn 3,3 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 trong 12 tháng qua, vượt xa con số 1,9 triệu ca của năm 2020. Nền kinh tế của nhiều quốc gia gần như ngưng trệ vì lệnh phong tỏa kéo dài, gây ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Taliban nắm quyền ở Afghanistan 

Afghanistan trải qua một năm đầy biến động và bất ổn sau sự kiện phong trào Taliban bất ngờ trở lại nắm quyền, trong khi Mỹ và các đồng minh hoàn tất việc rút quân, chính thức khép lại 20 năm can dự tại quốc gia Tây Nam Á này.

Bất chấp cam kết của Taliban về một chính phủ mang tính toàn diện và bao trùm cũng như những nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, người dân Afghanistan vẫn phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đan xen.

Nhìn lại thế giới năm 2021 ảnh 1 Người dân Afghanistan sơ tán khi Taliban lên nắm quyền

Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ do Taliban thành lập ở Afghanistan. Các nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm chuyển viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến tay người dân nước này mà không trở thành các khoản tài trợ cho chính quyền Taliban vẫn chưa đạt kết quả.

An ninh cũng là thách thức không nhỏ với Afghanistan. Số vụ tấn công bạo lực do các tay súng có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng làm lu mờ tuyên bố của Taliban về việc mang lại hòa bình cho Afghanistan sau nhiều năm chiến tranh.

Tín hiệu vui trong chống biến đổi khí hậu

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2021 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là với việc thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, 197 thành viên nhất trí theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Một trong những dấu ấn của COP26 là việc nhiều nước công bố thời hạn cụ thể để đưa mức phát thải ròng về 0, trong đó có 3 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Cũng là lần đầu tiên một thỏa thuận khí hậu của Liên hiệp quốc đề cập tới nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, các quốc gia cam kết “giảm dần điện than, không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”.  

Chuyển động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm của các hoạt động ngoại giao quốc tế, trở thành khu vực có vai trò chiến lược đối với các nước lớn. Trong năm cầm quyền đầu tiên, chính phủ của Tổng thống Joe Biden xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên cao trong tổng thể chính sách đối ngoại, thể hiện rõ qua thỏa thuận liên minh ba bên Mỹ - Australia - Anh mang tên AUKUS.

Ngoài ra, còn có sự liên kết chặt chẽ giữa nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Âu đã công bố chiến lược của khối đối với khu vực, trong đó xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên nhằm tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự tại khu vực. Một số nước châu Âu cũng có chiến lược riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Đức, Pháp, Hà Lan. 

Bà Angela Merkel rời chính trường

Ngày 8-12, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rời văn phòng sau khi chính thức trao quyền cho người kế nhiệm Olaf Scholz, kết thúc hành trình 16 năm lãnh đạo nước Đức vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng.

Được tạp chí Forbes vinh danh là “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” trong 10 năm liên tiếp, di sản của bà Merkel là phá vỡ thế áp đảo của nam giới trên chính trường, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và nền tài chính lành mạnh cho nước Đức.

Nhìn lại thế giới năm 2021 ảnh 2 Cựu Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Olaf Scholz

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu 

 Trong tháng 3, vụ siêu tàu chở hàng Ever Green kẹt ở kênh đào Suez trong gần một tuần đã để lại một bài học cho thế giới. Nói như báo Washington Post, đây là câu chuyện toàn cầu bởi sự cố Ever Green đẩy căng thẳng trong chuỗi cung ứng - vốn đã đối diện tình trạng thiếu thốn container giữa đại dịch Covid-19, lên cao trào. Sự cố Ever Green cũng làm dấy lên cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược.

2021 cũng là năm chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với khủng hoảng. Mạng lưới rộng lớn kết nối các cảng biển, tàu chở hàng cũng như công ty vận tải hàng hóa đường bộ khắp thế giới rơi vào tình trạng rối loạn nghiêm trọng. Chi phí vận tải tăng chóng mặt trong khi hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu đầu vào ở nhiều nước trở nên khan hiếm. 

Công nhận đại dương thứ năm 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới 8-6, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ đã tuyên bố vùng nước xung quanh Nam cực là đại dương thứ 5 của hành tinh. Vùng nước này được gọi là Nam Đại Dương.

Trước đây, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ đã phân loại các vùng nước xung quanh Nam cực là phần mở rộng ở phía Nam lạnh giá của Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ngay cả khi các nhà khoa học và báo chí ngày càng sử dụng thuật ngữ Nam Đại Dương.

Quyết định công nhận Nam Đại Dương của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ bắt nguồn từ sự thừa nhận về dòng hải lưu khác biệt bao trùm quanh Nam cực. Mặc dù vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi, hiệp hội này hy vọng bản đồ sửa đổi sẽ giúp mọi người nghĩ khác về Nam Đại Dương, từ đó khuyến khích việc bảo tồn nó.

Cơn địa chấn mang tên Hồ sơ Pandora 

 Hồ sơ Pandora do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố làm rò rỉ gần 12 triệu hồ sơ tiết lộ về các tài sản bí mật, trốn thuế và rửa tiền của giới giàu có và quyền lực trên thế giới. Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora, một phiên bản nâng cấp của Hồ sơ Panama năm 2016, đánh dấu sự hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan truyền thông, với sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.

Tổ chức Oxfam International (Anh) ủng hộ ICIJ công bố Hồ sơ Pandora, cho rằng nguồn thu thuế lẽ ra dùng cho các chương trình cộng đồng đã bị tước mất. Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định việc giới siêu giàu lợi dụng các “thiên đường thuế” che giấu tài sản khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục