Nhiều vướng mắc về Luật Quy hoạch

Sáng ngày 15-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình Luật Quy hoạch với sự tham gia của các bộ ngành, lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 liên quan đế bộ luật này vừa qua Quốc hội đã sửa đổi, điều chỉnh 37 luật liên quan. Đây là bộ luật về quy hoạch lần đầu tiên được áp dụng, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực… trên phạm vi rộng.

Việc đưa Luật Quy hoạch vào cuộc sống nhằm phát triển có định hướng, tránh đầu tư, phát triển theo phong trào dẫn đến khủng hoảng…

“Do đó hội nghị lần này nhằm lắng nghe ý kiến từ các bộ ngành, địa phương những thuận lợi, khó khăn khi triển khai. Những vướng mắc nào tôi trả lời được thì trả lời ngay, nếu không thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Nhiều vướng mắc về Luật Quy hoạch ảnh 1 Hội nghị triển khai Luật Quy hoạch, sáng 15-7-2019. Ảnh: VGP

Đại diện các Bộ: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải... cũng đã nêu ra một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn khi triển khai luật này.

Về phía TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM có các quy hoạch đã lập mà chưa được phê duyệt, có các quy hoạch đã lập điều chỉnh và được phê duyệt TP cũng đã hoàn thành đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2020 tầm nhìn 2025 đã trình Ban Thường vụ Thành ủy và được thống nhất chủ trương lập quy hoạch mới thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045.

Hiện nay TP đang triển khai thực hiện các bước để lập quy hoạch theo các căn cứ pháp lý được ban hành. Trong quá trình triển khai thực hiện TP luôn chủ động phối hợp với các bộ ngành để được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

TP có 4 khó khăn, thứ nhất với việc bãi bỏ một số quy định của ngành, lĩnh vực trong khi chúng ta chưa có quy hoạch mới theo quy định của Luật Quy hoạch chưa được lập, chưa kịp thời bổ sung  và điều chỉnh, do đó ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư khuyến khích và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của TP.

Vì việc triển khai các dự án đầu tư huy động nguồn lực của TP đều phải xem xét đến tính phù hợp của quy hoạch và việc này cần được hướng dẫn hết sức cụ thể.

TP kiến nghị Trung ương cho phép TP trong lúc chưa có quy hoạch mới theo Luật Quy hoạch mới thì cho phép tiếp tục thực hiện những nội dung đã có trong quy hoạch được duyệt khi nào có những quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành thì chúng ta bãi bõ quy hoạch cũ. Như vậy chúng ta mới có thể giải quyết những bài toán hiện nay về đầu tư và huy động nguồn lực.

Thứ hai là từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực đến nay, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương vẫn chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn hướng dẫn trình tự lập, phê duyệt chủ trương cũng như bố trí vốn cho việc lập quy hoạch. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn, bất cập không chỉ cho TPHCM mà cho các địa phương khác trong việc bố trí nguồn ngân sách các dự án quy hoạch để thuê tư vấn lập quy hoạch dẫn đến chậm tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đến cuối năm 2020.

Thứ ba, theo quy định Luật Quy hoạch lập quy hoạch của cấp tỉnh và thành phố thì bao gồm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; căn cứ vào các quy hoạch cao hơn; căn cứ vào quy hoạch thời kỳ trước nội dung quy hoạch cấp tỉnh thể hiện quy hoạch các dự án cấp quốc gia, các dự án cấp vùng, dự án liên tỉnh đã được xác định quy hoạch vùng… 

Như vậy, để có cơ sở lập mới quy hoạch của TP thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045, TP phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn này, căn cứ vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch không gian quốc gia…

Nhưng đến nay các căn cứ quan trọng này chưa được ban hành chính thức. Đây cũng là khó khăn cho quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, cấp TP.

Thứ tư, hiện nay TP đang điều chỉnh lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung TP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí thực hiện là nguồn cân đối từ kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm của địa phương. Tuy nhiên vừa rồi TP có hỏi ý kiến Bộ Tài chính để được hướng dẫn thì Bộ Tài chính cho rằng nguồn kinh phí được cân đối từ nguồn đầu tư công. Như vậy có sự hướng dẫn chưa rõ giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Do đó TP kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045  để các địa phương căn cứ vào đây xây dựng và lập quy hoạch; kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sớm có quy định bố trí  nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch…

Tin cùng chuyên mục