Nhiều vấn đề cần xem xét về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Tuy nhiên, để Nghị quyết áp dụng hiệu quả, đúng với mục tiêu thí điểm, nhiều vấn đề cần được xem xét và làm rõ.

 

Sáng 15-10, Bộ Nội vụ và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng nghị định của chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

Cần xem xét tính khả thi

Ông Lê Trung Chinh, PCT TP Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 119/2020/QH14 quy định cho phép từ ngày 1-7-2021, thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) gồm HĐND và UBND và 02 cấp hành chính (quận, phường). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

“Đây là Nghị quyết khác hoàn toàn với thí điểm không HĐND quận, huyện, phường trước đây. Nghị quyết lần này đặt ra vấn đề tổ chức chính quyền hoàn chỉnh hơn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng”, ông Chinh cho hay.

Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng nghị định của chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng
Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, từ ngày 7 đến 14-10, đã có 48 cơ quan, địa phương góp ý với tổng cộng 113 ý kiến góp ý. Đa số ý kiến góp ý đều đồng tình với chủ trương, phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định. Nội dung dự thảo Nghị định cơ bản đáp ứng các vấn đề cần được quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như vướng mắt khi triển khai về một vài vấn đề.
 
Nhiều vấn đề cần xem xét về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng ảnh 2 Ông Lê Trung Chinh, PCT UBND TP Đà Nẵng nêu ý kiến
Đại diện phường Chính Gián (Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho rằng, số lượng công chức làm việc tại mỗi UBND phường không quá 12 người bao gồm cả công chức được điều động và luân chuyển là chưa phù hợp, sẽ tạo khó khăn khi phường thực hiện nhiệm vụ. Với một lĩnh vực một nhân viên phụ trách, trừ kế toán và ban chỉ huy quân sự phường, khoảng 50% nhân viên đều phải ngồi ở bộ phận một cửa để tiếp dân và giải quyết các công viên chuyên môn thường ngày. Nếu đảm bảo công việc chuyên môn của ngành dọc thì công việc tiếp dân tại tổ một cửa sẽ khó như thế nào?

“Tại TP Đà Nẵng, các yêu cầu về chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, một số chương trình về an sinh xã hội thì một cán bộ công chức phụ trách một lĩnh vực thì khó có thể quán xuyến công việc,… Đặc biệt, nhân viên là nữ trong độ tuổi sinh nở, lập gia đình thì việc bố trí người cũng sẽ khó khăn”, đại diện phường Chính Gián nói. 

Theo ông Nguyễn Minh Huy, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu, về cơ cấu tổ chức, nội dung dự thảo điểu 4 quy định cứng số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận được tổ chức bao gồm 8 phòng và tương đương sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo ông Huy, điển hình như, chức năng của các phòng GD-ĐT, VH-TT và Y tế có rất nhiều lĩnh vực, nội dung liên quan khác nhau. Ngoài việc quản lý về văn hoá, phòng Văn hoá - Thông tin còn quản lý về cư trú, quản lý du lịch,… Khi gộp 3 phòng này với nhau thì chức năng khá rộng, việc vận hành hết sức khó khăn.

“Chúng ta nên giữ nguyên để đảm bảo tính liên tục và phù hợp với nghị định 108/2020/NĐ-CP vừa mới ban hành. Việc triển khai không nên làm xáo trộn ảnh hưởng đến việc tổ chức bộ máy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng”, ông Huy chia sẻ.

Thay đổi phù hợp với đặc điểm thành phố

Theo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, dự thảo nên chăng có một cơ chế riêng cho TP Đà Nẵng vì đây là thành phố đi đầu về cải cách hành chính có những đặc thù riêng (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) thì việc tinh giản ít nhiều sẽ có ảnh hưởng. Vì vậy, nên có một lộ trình tinh giãn về bộ máy tổ chức và khoán số lượng tổng thể về bộ máy cũng như biến chế trong một phạm vi quy định và để địa phương tự chủ động sắp xếp. Chính quyền đô thị là tổ chức phù hợp với điều kiện đô thị, nó không phải là bộ máy tổ chức biên chế mà khác về chức năng nhiệm vụ. Từ chức năng nhiệm vụ, có thể hình dung ra tổ chức bộ máy, góp phần phân biệt chính quyền đô thị hay nông thôn.

Ông Hoàng Ngọc Anh, Vụ Phó Cụ Cải cách hành chính phát biểu ý kiến
Theo ông Hoàng Ngọc Anh, Vụ Phó Cụ Cải cách hành chính, cũng như kiểm soát thủ tục hành chính, không phải tất cả đều cắt giảm đi mà có những thủ tục nào chưa đúng chưa chặt thì cần bổ sung thêm vào, những phần rườm rà thì được cắt bỏ. Theo ông Hoàng Ngọc Anh, nên rà soát thực tế trước khi định hình là đầu mối này nhiều hay ít, quận hay phòng ban này bao nhiêu biên chế là đủ. Thí điểm thì phải có so sánh, vì vậy Đà Nẵng sớm xây dựng bộ công cụ để đánh giá tác động theo năm về lộ trình của dự án này.

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, hội thảo lần này cùng bàn luận, trao đổi để tìm ra phương án, giải pháp tốt nhất cho việc tổ chức và hoạt động của mô hình chính quyền đô thị từ cấp thành phố đến phường. Đây cũng là việc thí điểm đổi mới bộ máy chính quyền, xây dựng các mô hình mới hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành chính quyền các cấp ở đô thị. Tất cả các ý kiến đống góp, trao đổi thảo luận của địa biểu dự hội thảo sẽ được ban soạn thảo Nghị điện lắng nghe, tiếp thu và cùng nghiên cứu, chỉnh sửa, với mục tiêu là tìm được tiếng nói đồng thuận và triển khai thực hiện ở Đà Nẵng một cách có hiệu quả nhất. Từ đó, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới công tác quản lý, điều hành các cấp chính quyền theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kết luận hội thảo
“Đà Nẵng vẫn luôn tự hào là một trong những thành phố về cải cách hành chính, vì vậy chúng ta cần có những giải pháp để cân bằng, thể hiện tính ưu việt của thành phố. Cụ thể sẽ có lộ trình thay đổi, thích nghi làm sao để mô hình chính quyền đô thị tại địa phương vừa tinh gọn nhưng vẫn mang lại những chuyển biến tích cực”, ông Tuấn kết luận.

Tin cùng chuyên mục