Nhiều triển vọng phục hồi kinh tế Đông Nam Á

Theo báo The Straits Times (Singapore), nền kinh tế Đông Nam Á đang có nhiều triển vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và rất nhiều công ty chuyển nhà máy đến khu vực này.
Cảng Singapore
Cảng Singapore

Bước ngoặt

The Straits Times phân tích, kể từ lần đầu tiên khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào tháng 3-2020, dịch bệnh đã tác động lớn đến các nền kinh tế mới nổi của Đông Nam Á, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây thiệt hại cho nhiều lao động. Trên khắp thế giới, các nhà máy và cảng biển đóng cửa, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa; giá cước vận chuyển tăng vọt lên mức cao kỷ lục. 

Để tránh những sự chậm trễ tốn kém trong sản xuất và logistics, ngày càng nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn đã chuyển dịch cơ sở sản xuất và chuyển những khoản đầu tư mới sang Đông Nam Á. Diễn biến này đã tạo ra bước ngoặt cho triển vọng phục hồi của nền kinh tế Đông Nam Á. Năm 2021, hãng sản xuất chip GlobalFoundries có kế hoạch đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore để đáp ứng nhu cầu gia tăng về chip bán dẫn trên toàn cầu. Trong khi đó, tập đoàn Intel đã thông báo kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip ở Penang, Malaysia. Công ty Công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), sản xuất đồ điện tử cho hãng Apple, đầu tư nhà máy trị giá 270 triệu USD để sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng ở Việt Nam. 

Tiền tệ vượt “cơn bão” thị trường 

Phân tích về lợi thế của nền kinh tế Đông Nam Á, tờ Financial Times cho rằng, lợi thế  nằm ở chỗ các loại tiền tệ ở khu vực Đông Nam Á đang thể hiện sự vượt trội so với đồng tiền của nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa trở lại và các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm giải quyết lạm phát, tỷ giá đồng USD đã tăng cao hơn so với các loại tiền tệ ở thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Nam Á thoát khỏi “guồng quay” của FED, nghĩa là tiền tệ của những nước này chỉ giảm trung bình khoảng 7% trong năm, so với mức giảm trung bình hơn 11% của đồng EUR. Một số ngân hàng trung ương nhanh chóng thắt chặt chính sách trước các động thái của FED, kết hợp với thâm hụt tài khoản vãng lai. Điều này giúp các quốc gia tại khu vực này có “lá chắn” khi trao đổi đối hoái với các loại tiền tệ quốc tế. Chưa kể, việc mở cửa kinh tế trở lại sau đại dịch cũng tiếp thêm sức mạnh cho các loại tiền tệ Đông Nam Á vượt qua “cơn bão” của thị trường.

Ngoài ra, Đông Nam Á còn sở hữu lực lượng lao động trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Lợi thế này sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Những diễn biến nói trên giúp tăng cường vai trò của Đông Nam Á trong nền kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế trưởng Jajiv Biswas tại Công ty Nghiên cứu dịch vụ tài chính S&P Global Market Intelligence (Mỹ), ASEAN được dự báo là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới. Đông Nam Á sẽ vẫn là điểm đến then chốt cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Đông Bắc Á.

Tin cùng chuyên mục