Nhiều trẻ em tham gia mạng xã hội từ 5-7 tiếng/ngày

Ngày 2-12, tại TP Đà Nẵng, Cục Báo chí (Bộ TT-TT) tổ chức hội nghị tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” với gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương khu vực miền Trung.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo đó, thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, Bộ TT-TT giao Cục Báo chí tổ chức các khóa tập huấn về “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” cho các cơ quan báo chí tại 3 miền.

Tại Hội nghị, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết, thông qua 2 chuyên đề “Hiện trạng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định hiện hành về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”; “Các xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”…. các chuyên gia về báo chí, truyền thông, cán bộ quản lý trong lĩnh vực trẻ em và công nghệ đã chia sẻ, cung cấp những thông tin để các phóng viên, báo chí có thể lan toả thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cho cộng đồng.

Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ để nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, qua khảo sát tình hình sử dụng internet tại Việt Nam có tới 89% số người truy cập và sử dụng internet hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ 36%, trong đó hầu hết là trẻ em lớn, độ tuổi từ 16 đến 17, tham gia khảo sát trả lời đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng. Đáng chú ý, trẻ em cũng có xu hướng nghiện mạng xã hội, nhiều trẻ em tham gia mạng xã hội từ 5-7 tiếng/ngày.

Cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Để nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả, cơ quan báo chí cũng cần được trang bị nhiều hơn về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng…

Tin cùng chuyên mục