Nhiều tín hiệu tích cực trong doanh nghiệp FDI

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam nói riêng, tình trạng suy giảm của khối đầu tư nước ngoài không có gì khó hiểu. Tuy nhiên cũng vẫn có những tia sáng cuối đường hầm.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp FDI Nhật Bản. Ảnh: QUANG PHÚC
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp FDI Nhật Bản. Ảnh: QUANG PHÚC

Bức tranh chung tối màu

Ngày 1-4 vừa qua, IHS Markit (tổ chức chuyên cung cấp, phân tích thông tin và các giải pháp quan trọng cho các ngành công nghiệp và thị trường - PV) công bố, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 49 điểm của tháng 2 xuống 41,9 điểm trong tháng 3 - thấp nhất trong hơn 9 năm thu thập dữ liệu của họ tại Việt Nam. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7-2012 đến nay. Trong suốt tháng 3, số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, buộc các công ty phải cắt giảm nhân sự.

Mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng về mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được bổ sung vào khảo sát từ tháng 4-2012. Kết quả khảo sát của IHS Markit khá thống nhất với những số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 3. Theo đó, quý 1-2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu là do có dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD đã được đàm phán từ cách đây nhiều năm. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 vừa qua chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia vốn đã bày tỏ dự định tham gia mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam đã cân nhắc lại thời điểm đầu tư, trong đó có những tên tuổi “khủng” như Google, Microsoft, Apple, ExxonMobil… Một số dự án đang triển khai cũng đã xin giãn tiến độ như Poongsan System, Bơm Ebara Việt Nam…

Xoay xở vượt khó

Mặc dù xu hướng sụt giảm của dòng đầu tư nước ngoài ở thời điểm này là điều khó tránh, song các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là vấn đề thời điểm. Vốn giải ngân tuy có sụt giảm, nhưng vẫn đạt mức khá, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi những nỗ lực dập dịch của Chính phủ đạt kết quả, các giải pháp như: tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài, đồng thời xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư… có thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khôi phục sản xuất kinh doanh. Hơn thế, “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư cũng sẽ được củng cố, đặc biệt là khi các yếu tố địa chính trị, môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu đang trở nên bất trắc, khó lường hơn, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, chia sẻ rủi ro chứ không “bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Tất nhiên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cũng không thụ động ngồi chờ dịch bệnh qua đi. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác, cả ở đầu vào lẫn đầu ra. Mới đây, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết, trước những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc (mà phải một thời gian nữa mới dần dần phục hồi), nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu nhập hàng từ những khu vực khác; trong đó có những doanh nghiệp đã lựa chọn đối tác Việt Nam.

Không chỉ các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn giải pháp này. Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, tại đây có hơn 80 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 17 tỷ USD. Nhiều công ty như Nidec Việt Nam, Jabil Việt Nam, Samsung… đã được công ty mẹ (tập đoàn) điều phối nguồn nguyên liệu từ các nhà máy ở các nước khác về để ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty này cũng đã tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Nếu như tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước trước đây chỉ khoảng 28%, thì nay nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng tới 50% nguyên liệu trong nước…

Mặc dù ở thời điểm này phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng không phải không có cơ sở để tin rằng nền kinh tế nói chung và khối doanh nghiệp FDI nói riêng sẽ sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đánh giá: “Không có gì ngạc nhiên khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3. Vấn đề then chốt hiện nay là kiểm soát dịch và sản lượng sẽ tăng trở lại”.

Tin cùng chuyên mục