Nhiều thách thức phía trước

Phải đến khi U.23 Việt Nam tạo ra kỳ tích ở sân chơi châu Á, người ta mới thấy rõ sự đóng góp quá mờ nhạt của giải đấu số 1 quốc gia, bởi lẽ ra phải là sức mạnh cột trụ của các đội tuyển. 
Kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008 đến nay, bóng đá Việt Nam chỉ 1 lần duy nhất lọt vào chung kết các giải đấu khu vực Đông Nam Á (SEA Games, AFF Cup), nhưng có đến 3 lần phải dừng bước tại vòng đấu bảng. Trong khi đó, các tuyến U.19, U.20 lại thành công ở các giải đấu trẻ tầm châu lục và là nền tảng để tạo nên đội tuyển U.23 Á quân châu Á vừa qua. Trong tiến trình ấy, sự đóng góp của V-League là rất hạn chế.

Cũng từ thành công của U.23, mùa giải V-League 2018 sẽ khai diễn ngày hôm nay phải nhận một áp lực khủng khiếp. Mọi người đang chờ đợi V-League biến “cơ hội vàng” từ U.23 thành những khán đài đầy ắp khán giả sau 3 mùa giải liên tục sụt giảm số người đến sân vì bạo lực, trọng tài. Mọi người cũng kỳ vọng các trận đấu V-League nếu không sản sinh được tài năng mới thì ít ra cũng trui rèn lứa cầu thủ U.23 hiện nay có được bản lĩnh để chinh phục các đấu trường lớn vào cuối năm như ASIAD, AFF Cup và Asian Cup. Do thời gian V-League thi đấu diễn ra trước các sự kiện nói trên, nên có thể nói, đây là lúc để các nhà làm bóng đá có cái nhìn toàn diện về sự đóng góp của V-League. Bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ tốt, nếu V-League thực sự có chất lượng, chắc chắn các đội tuyển quốc gia sẽ còn mạnh hơn trong tương lai. Và ngược lại…
Xét một cách công bằng, áp lực mà V-League đang phải chịu là xứng đáng, bởi nhiều nguồn lực xã hội đã bị V-League lãng phí nhiều năm qua. Hơn 15 năm kể từ ngày chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp, V-League không tăng về số lượng lẫn giá trị, vẫn chỉ có 14 đội bóng được xem là chuyên nghiệp nhưng lại teo tóp số lượng đội ở các giải hạng nhất, hạng nhì. Bản quyền truyền hình - nguồn thu cốt lõi của bóng đá chuyên nghiệp thì hiện vẫn không có một con số cụ thể nào, vẫn đang thực hiện theo phương thức “hàng đổi hàng” với các nhà đài để đổi lại những khoản tiền quảng cáo, tài trợ trọn gói “bất di, bất dịch”. Trong khi đó, nếu tính trung bình 40 tỷ đồng/1 CLB thì mỗi mùa giải đã có hơn 500 tỷ đồng “đổ” vào V-League mà gần như không thể tạo ra doanh thu. Xem ra, với gần 10 ngàn tỷ đồng cho “kỷ nguyên V-League” mà chỉ có được một chức vô địch AFF Cup thì quả là một con số đáng suy ngẫm, chưa nói đến các thất bại về lượng người xem, lợi nhuận…

Thách thức đặt ra cho dàn lãnh đạo mới của Công ty VPF là vừa phải nâng chất cho các trận đấu V-League, vừa phải làm tăng giá trị về mặt tài chính. Đó là 2 yếu tố có tính song hành, có khó cũng phải làm. Chủ tịch Công ty VPF, Trần Anh Tú thừa nhận: “V-League cũng phải như ca sĩ, hát hay thì mới có khán giả và có tiền”. Hiện tại, doanh thu mỗi năm mà VPF có được chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ đồng, quá khập khiễng khi so sánh với sự đầu tư của xã hội thông qua các CLB hay những trung tâm đào tạo. Nếu cứ để tình trạng “phần ngọn” V-League hoạt động thiếu hiệu quả như vậy thì sẽ đến lúc, phần “gốc” đầu tư sẽ nản lòng.

Chính vì vậy, cú hích từ U.23 Việt Nam là một cơ hội để V-League có thể thay đổi. Việc thương hiệu Nutifood tài trợ V-League là kết quả đầu tiên. Tuy nhiên, như đã nói, chất lượng của những trận đấu tại V-League mới mang ý nghĩa quyết định, buộc các nhà điều hành phải làm việc nhiều hơn, đặc biệt là phải làm sao có được sự đồng hành của các CLB để mỗi trận đấu là một bữa tiệc bóng đá dành cho người hâm mộ. 

Tin cùng chuyên mục