Nhiều sản phẩm thép đối diện nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ

Theo Bộ Công thương, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đưa ra quyết định điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Quyết định này của DOC được cho là do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép CORE nhập khẩu từ Hàn Quốc và thuế chống bán phá giá đối với thép CORE nhập khẩu từ Đài Loan. 

Quyết định khởi xướng điều tra được ban hành căn cứ vào đơn kiện ngày 12-6-2018 của 5 doanh nghiệp sản xuất  của Mỹ.

Cáo buộc đưa ra là sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với CORE nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan năm 2015, lượng nhập khẩu thép CORE từ 2 nước này vào Mỹ giảm đáng kể, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam lại gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể”, do quá trình sản xuất tại Việt Nam chỉ thêm một phần nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm thép CORE xuất khẩu sang Mỹ.

Nhiều sản phẩm thép đối diện nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ ảnh 1 Sản xuất thép xuất khẩu tại một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc; đồng thời trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc.

Một số sản phẩm thép của Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3-2-2019.

Theo đó, cuối tháng 3 vừa rồi, EC quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu, do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến sản xuất trong nước.

Căn cứ quy định của WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển không phải áp dụng biện pháp tự vệ nếu có thị phần nhập khẩu dưới 3%, Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm (bao gồm thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại, thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh).

Tuy nhiên, trong thời gian điều tra, nhập khẩu 3 nhóm sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nếu nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam vào EU tăng vượt mức 3%, sẽ có thêm sản phẩm thép bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng 3% và có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ 2, phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế cũng như của các nước xuất khẩu sang để tránh thiệt hại không đáng có.

Tin cùng chuyên mục