Nhiều nước yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Myanmar

Ngày 1-3, người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường phản đối việc quân đội nước này đàn áp khiến ít nhất 18 người thiệt mạng một ngày trước đó. Cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình ở Myanmar sau khi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định là không chấp nhận việc sử dụng vũ khí sát thương.

Kêu gọi kiềm chế

Hãng tin Reuters, ngày 1-3, đưa tin cảnh sát với vòi rồng cùng xe quân đội được điều đến những điểm nóng biểu tình ở Yangon. Ở phía Tây Bắc Myanmar, người biểu tình cũng tuần hành tại Kale, Lashio… bất chấp chiến dịch trấn áp của lực lượng an ninh.

Cùng ngày 1-3, Malaysia tuyên bố ASEAN cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc đưa Myanmar trở lại trạng thái bình thường, trong bối cảnh nước này đã trải qua các cuộc biểu tình sau khi quân đội bắt giữ lãnh đạo chính phủ, thủ hiến vùng và bang cùng thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) vào ngày 1-2, vì cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây.

Nhiều nước yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Myanmar ảnh 1 Tưởng niệm số người thiệt mạng trong ngày 28-2 tại thủ đô Yangon

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết tất cả các bên “cần kiềm chế tối đa việc sử dụng bạo lực”, đồng thời khẳng định Malaysia ủng hộ tổ chức cuộc họp không chính thức gồm ngoại trưởng các nước ASEAN nhằm thảo luận về tình hình tại Myanmar. 

Đầu tháng 2, ASEAN đã ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.  

Cân nhắc bổ sung biện pháp trừng phạt

Theo Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương do đụng độ chỉ riêng trong ngày 28-2. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình và yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi thông điệp rõ ràng, yêu cầu chấm dứt bạo lực tại nước này.

Ngày 1-3, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận rằng khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar; đồng thời quyết định dừng một số hoạt động viện trợ phát triển.

Ngày 1-3, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cũng ra tuyên bố khẳng định sẽ xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung, sau các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức quân đội Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ hành động sau khi tham vấn đồng minh.

Cùng ngày, chính phủ Indonesia, Nhật Bản… cũng ra tuyên bố chính thức liên quan đến Myanmar. Theo đó, các nước đề nghị lực lượng an ninh Myanmar không sử dụng bạo lực và kiềm chế để tránh gây thêm thương vong, cũng như ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết, Chính phủ Nhật Bản “đang theo dõi sát sao tình hình” tại Myanmar và cân nhắc các lựa chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar bằng cách ngừng viện trợ tài chính.

Lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã xuất hiện trong tình hình sức khỏe tốt tại phiên xét xử bằng hình thức trực tuyến vào ngày 1-3. Luật sư Min Min Soe của bà Suu Kyi cho biết, bên cạnh cáo buộc tàng trữ các máy bộ đàm chưa đăng ký và vi phạm những hạn chế chống Covid-19, bà sẽ phải đối mặt với 2 cáo buộc mới, gồm vi phạm luật truyền thông cũng như kích động bất ổn xã hội. Theo ông Min Min Soe, phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.

Tin cùng chuyên mục