Nhiều nơi xảy ra dông lốc, thiên tai

Do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao, miền núi phía Bắc có mưa lớn trong các ngày 11, 12 và 13-9.

 Theo ông Dương Tiến Son, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, mưa nhiều ngày trên nền đất yếu nên khoảng 6 giờ sáng 13-9, một ngôi nhà ở tổ 1, thị trấn Việt Quang, Bắc Quang bị đất đá đổ ụp, làm đổ bức tường, khiến cháu Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 2007, thiệt mạng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, ngoài thiệt hại về người và nhà ở, mưa lũ còn làm 186 ngôi nhà tại các huyện Bắc Quang, Mèo Vạc, Đồng Văn bị ngập úng, sạt lở cùng hàng trăm héc-ta lúa, bắp, hoa màu; nhiều tuyến đường ách tắc. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mưa kèm dông lốc đã làm sập 2 phòng học tại thôn Cửa Cải - Vĩ Mã, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 13-9, tỉnh Nghệ An có mưa rất lớn, nhiều nơi ở huyện Thanh Chương, Con Cuông đứng trước nguy cơ lũ quét, sạt lở. Đêm 13-9, tại khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục mưa vừa, có nơi mưa to do hội tụ gió trên cao. 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai Bộ NN-PTNT, những ngày qua, miền Tây Nam bộ liên tục xuất hiện dông lốc làm sập nhà cửa. Tại TP Cần Thơ, chiều 12-9, cơn mưa lớn kèm gió mạnh đã làm sập, tốc mái và hư hỏng 11 căn nhà, phòng học ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Tại tỉnh Đồng Tháp, cơn dông lớn kéo dài hơn 1 giờ kèm mưa vào chiều 11-9 đã làm gãy đổ nhiều cây cối, một căn nhà bị sập hoàn toàn và 29 căn nhà bị tốc mái tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành. Chiều cùng ngày, tại tỉnh Vĩnh Long, cơn dông lốc mạnh quét qua các xã Lộc Hòa, Thạnh Quới, Phú Quới và Tân Hạnh của huyện Long Hồ làm 156 căn nhà bị sập, tốc mái và 19,5ha mít, nhãn bị gãy đổ.  

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tuần này, Nam bộ tiếp tục xuất hiện các cơn dông cục bộ về chiều và đêm do ảnh hưởng của gió Tây Nam. Trong khi đó, thời tiết ở các vùng miền từ nay cho tới cuối năm 2020 diễn biến phức tạp do ảnh hưởng trực tiếp của trạng thái La Nina. Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về các tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực miền Trung và miền Nam. “Đáng lưu ý, khi chịu tác động của La Nina, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn vào mùa khô năm nay”, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục