Nhiều mặt hàng nhấp nhỏm tăng giá

Mùa cao điểm khuyến mãi kích cầu sức mua dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp kết thúc, trong khi giá nguyên liệu đầu vào đang tăng khá cao đã tác động không nhỏ đến áp lực tăng giá bán đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu. 
Khách hàng mua thực phẩm tại siêu thị sáng 30-4-2021. Ảnh: CAO THĂNG
Khách hàng mua thực phẩm tại siêu thị sáng 30-4-2021. Ảnh: CAO THĂNG

Sức mua tăng khá cao

Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng nhưng theo thông tin từ một số nhà bán lẻ và doanh nghiệp (DN), sức mua trong những ngày nghỉ lễ vừa qua tăng bình quân gấp 2 lần so với ngày thường. Nhiều nhà bán lẻ giảm giá mạnh cho hàng ngàn sản phẩm, như thực phẩm tươi sống giảm giá 10%-20%, đồ dùng nhà bếp giảm 21%-47%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe mua sản phẩm thứ 2 cùng loại giảm còn 50%.

Theo đại diện của hệ thống siêu thị Co.opmart, do kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay dài 4 ngày nên sức mua tại hệ thống Co.opmart tăng bình quân 2-4 lần so với ngày thường. Trong đó, sức mua tăng cao nhất tập trung vào ngành hàng thực phẩm tươi sống, một số loại thực phẩm chế biến sẵn, hàng đông lạnh, các loại bia, nước giải khát. Các mặt hàng như dụng cụ gia đình, hàng may mặc thời trang đang được giảm giá mạnh nên sức mua cũng tăng gấp đôi so với trước. 

Tương tự, tại Lotte Mart, Emart, MM Mega Market An Phú… trong các ngày qua sức mua cũng tăng khá cao và tăng đột biến vào buổi chiều và tối của những ngày nghỉ lễ; tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, trái cây, rau quả… Các mặt hàng như bánh kẹo, đồ hộp, thời trang cũng được người tiêu dùng quan tâm. Chị Nguyễn An Nhiên (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng, dịp lễ là cơ hội “vàng” để gia đình chị mua sắm nhiều mặt hàng với giá bán rất tốt. Chẳng hạn, Emart hiện có hàng trăm mặt hàng thiết yếu khuyến mãi cùng gói combo quà tặng hấp dẫn áp dụng cho thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng gia dụng. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp lễ, các siêu thị cũng tăng cường nhân sự tại tất cả các khâu từ nhân viên giữ xe, bảo vệ, thu ngân, vệ sinh; đồng thời tăng cường nguồn hàng đảm bảo tốt nhất nhu cầu của khách hàng. 

Các trung tâm thương mại (TTTM) ở TPHCM, nhất là Vincom Center, Takashimaya, Giga Mall… luôn đông nghẹt khách. Ngoài nhu cầu tham quan, vui chơi, mua sắm và ăn uống, một lượng khách không nhỏ đến các TTTM trốn nóng cũng góp phần làm cho không khí những nơi này xôm tụ trong dịp nghỉ lễ.

Về giá cả trong dịp lễ, do các nhà bán lẻ phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để thực hiện giảm giá tới 50% đối với nhiều sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng nên đã tạo mặt bằng chung về giá bán tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường rất dồi dào, phong phú. Tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cho biết, giá bán các loại hàng hóa rất ổn định. Nhóm mặt hàng được mua nhiều tại các chợ là thực phẩm tươi sống, trái cây, quần áo may sẵn… 

Nhiều mặt hàng sẽ điều chỉnh giá 

Theo dự báo của tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 5-2021 và thời gian tới, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá thế giới hoặc việc tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong giai đoạn đầu năm tác động đến giá một số mặt hàng như nông sản, sữa, thực phẩm chế biến…

Ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, một số mặt hàng bán lẻ tại các tiệm tạp hóa như mì gói, bột nêm, bột gia vị, dầu ăn, các loại bột làm bánh... đã tăng 7%-10% so với cuối năm 2020. Một số DN sản xuất bột lý giải rằng do giá nhiều nguyên liệu đầu vào đã tăng tới 20%. Hiện sức mua trên thị trường còn yếu, nếu cứ dựa theo giá nguyên liệu để tăng giá bán thành phẩm sẽ khó thuyết phục người tiêu dùng. Do vậy, với các DN sản xuất này, việc điều chỉnh giá bán tại thời điểm này là chẳng đặng đừng.

Nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt và trứng gia cầm giá bán cũng tăng 10%-15% so với đầu năm 2021. Thực trạng này có nguyên nhân từ giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng hơn 20% và bao bì tăng khoảng 15%. Ngoài ra, áp lực tăng giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống còn đến từ giá xăng dầu liên tục điều chỉnh đã tác động đến giá cước vận chuyển từ các tỉnh vào TPHCM.

Đại diện bộ phận thu mua của một trong những hệ thống phân phối lớn tại TPHCM cho hay, dù nhà cung cấp đã gửi yêu cầu điều chỉnh tăng giá bán, chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng nhanh từ tháng 5-2021 nhưng để hài hòa lợi ích các bên, siêu thị sẽ xem xét thật kỹ khả năng tăng giá bán của từng mặt hàng cũng như nhóm hàng, tránh tình trạng gây xáo trộn chung về mặt bằng giá, làm ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng. Ngoài lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thì giá nhiều nhóm hàng cao hơn trước đây vì chương trình khuyến mãi đã kết thúc.

Giá bán một số mặt hàng có thể sẽ tăng nhẹ nhưng chắc chắn hàng hóa thiết yếu sẽ rất dồi dào, phong phú. Ngay cả nhóm mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang cũng được chuẩn bị đầy đủ. 

Để tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa và dịch vụ, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục