Nhiều mặt hàng đang bị giảm thị phần

Thông tin từ các nhà bán lẻ lớn trên thị trường cho biết, doanh thu nhiều mặt hàng bán lẻ sụt giảm nghiêm trọng, do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Nhiều sản phẩm đang có sức tiêu thụ rất chậm, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Nhiều sản phẩm đang có sức tiêu thụ rất chậm, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Ngành bán lẻ cũng được khẳng định đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ đầu năm đến nay ước đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức tăng thấp nhất tính từ năm 2016 trở lại đây. Các hệ thống bán lẻ lớn như Lotte, Aeon Mall, Saigon Co.op, Satra… doanh thu bán lẻ giảm dao động 20%-50% so với cùng kỳ năm trước. 

Các mặt hàng có sức tiêu thụ giảm mạnh tập trung chủ yếu vào may mặc, giày dép, điện máy… Riêng các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm ăn nhanh, mì ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… có sức tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, nhiều hệ thống phân phối cho biết, sức mua tăng mạnh ở những mặt hàng lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn… không đủ bù vào chi phí duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Không chỉ vậy, lượng khách hàng đến các siêu thị, trung tâm thương mại đã giảm 20%-35%. Do đó, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ rất khó để các DN có thể duy trì hoạt động. 

Hiện để hỗ trợ các DN cung ứng, nhiều hệ thống phân phối đã giảm một phần chi phí thuê mặt bằng, quầy kệ, chiết khấu… Tuy nhiên nếu đến hết quý 2-2020 mà tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chưa trở lại bình thường thì sẽ rất khó cho DN cũng như hệ thống phân phối duy trì hoạt động ổn định. Trước thực tế trên, hiện nhiều DN đang đẩy mạnh hình thức bán hàng online và hỗ trợ giao hàng miễn phí tại nhà. Ngoài ra, các DN sản xuất cũng bắt tay với hệ thống phân phối triển khai mạnh chương trình giảm giá, khuyến mãi để tăng kích cầu tiêu dùng. Về phía Chính phủ, đã có ban hành chính sách giãn thuế, chậm nộp thuế… cho các DN nói chung. 

Tin cùng chuyên mục