Nhiều lựa chọn với sản phẩm cà phê

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất cà phê chế biến để phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bên cạnh bán sản phẩm nhân thô.
Phong phú sản phẩm cà phê đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt
Phong phú sản phẩm cà phê đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường tiêu dùng cà phê hòa tan Việt Nam  trong nhiều năm qua, đến hơn 80%, được chia cho 3 thương hiệu là Nestlé, Vinacafe và Trung Nguyên.

Thời gian gần đây, thị trường đã nhộn nhịp hơn, người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn khi có thêm nhiều sản phẩm của các thương hiệu mới như The Coffee House, Vinamit, Nutifood… 

Việc phát triển thị trường cà phê chế biến là hướng đi nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê. Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cà phê hòa tan đã được Bộ NN-PTNT định hướng phát triển mạnh ở thời gian tới.

Mục tiêu đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân được chế biến thành các sản phẩm phục vụ trực tiếp tiêu dùng. Trong đó, sản lượng rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm. Đến năm 2030, sản lượng cà phê hòa tan sẽ tăng lên 350.000 tấn/năm. 

Giới kinh doanh cà phê cũng đánh giá tiềm năng về sản xuất và xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam đang rất lớn, bởi nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường tăng cao, nhất là những thị trường có đông dân số trẻ. Việt Nam cũng nằm trong nhóm thị trường triển vọng.

Nhận định về nhu cầu tiêu dùng cà phê tại Việt Nam gia tăng là có cơ sở, khi hệ thống cửa hàng kinh doanh thức uống cà phê hiện diện khắp các ngõ ngách từ trung tâm thương mại, siêu thị đến hàng loạt chuỗi của các thương hiệu về cà phê kinh doanh, từ mô hình cao cấp đến bình dân.

Cả nước hiện đang có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan được xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng công suất trên 75.000 tấn sản phẩm/năm. 

Như đánh giá của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, sản xuất các sản phẩm cà phê chế biến sâu để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa đang là xu hướng được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, đầu tư.

Ngoài tạo sự phong phú cho người tiêu dùng lựa chọn, đầu tư cho chế biến sâu và hướng đến xuất khẩu cà phê đã qua chế biến đang là ưu tiên số 1 của ngành cà phê hiện nay, bởi thông qua chế biến sâu góp phần nâng cao yếu tố giá trị gia tăng cho ngành.

Bên cạnh đầu tư cho dây chuyền sản xuất, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng cho khâu sản xuất nguyên liệu an toàn, phục vụ cho nguyên liệu chế biến.

Nhiều doanh nghiệp quy hoạch vùng trồng cà phê theo quy trình an toàn, kiểm soát chất lượng hạt cà phê từ khâu chăm bón cây đến thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Đến nay, ngoài sản phẩm cà phê bột pha phin, cà phê hòa tan truyền thống, các doanh nghiệp ngành cà phê cũng đã nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới như cà phê đen dạng nước đóng hộp, cà phê đen tiện lợi dạng túi lọc để hướng tới sự thuận tiện khi dùng.

Thậm chí, ngay sản phẩm hòa tan cũng được cải biến hơn về chất liệu nhằm tạo nên sản phẩm mới có hương vị đậm đà. Có doanh nghiệp khẳng định sản phẩm của mình chuẩn vị cà phê pha sữa như truyền thống.   

Từ đó có thể thấy rằng, thị trường cà phê Việt đang ngày càng cạnh tranh gay gắt. Lúc này, người tiêu dùng là được lợi nhất, nhờ được cung cấp sản phẩm đa dạng, chất lượng và giá cả phải chăng.

Tin cùng chuyên mục