Nhiều loài chim quý hiếm về vườn chim Bạc Liêu cư trú

Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, vườn ghi nhận tổng đàn cò nhạn (cò ốc) lên đến 1.000 con về cư trú. Bên cạnh đó, vườn còn phát hiện thêm 700 cá thể quắm đen và 3 cá thể bồ nông chân xám về cư trú tại đây. 

Cò nhạn, quắm đen là loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam; riêng bồ nông chân xám là loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới. Tuy nhiên, cò nhạn và bồ nông chân xám là loài chim di cư, chỉ về Vườn chim Bạc Liêu cư ngụ vài tháng trong năm rồi lại di cư; riêng loài quắm đen đã cư trú, sinh sản và có chiều hướng phát triển đàn khá tốt.

Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, việc xuất hiện nhiều loài chim quý hiếm về khu bảo tồn cư ngụ, sinh sản cho thấy môi trường ở đây được đầu tư và cải thiện tốt. Đặc biệt, công tác chăm sóc, bảo vệ môi trường sống của các loài chim được thực hiện khá nghiêm ngặt, nhất là khâu phòng chống săn bắt, chặt phá cây rừng, phòng chống cháy rừng mùa khô, ô nhiễm nguồn nước… Vườn chim Bạc Liêu tọa lạc tại ấp Kinh Tế, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, cách trung tâm Bạc Liêu khoảng 3km. Đây là vườn chim tự nhiên, nguyên sơ hiếm có, nằm rất gần với trung tâm thành phố. Vườn chim Bạc Liêu rộng 130ha, với hơn 60.000 cá thể, trong đó có 100 giống loài quý hiếm. Vườn chim đã bảo tồn được một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, với 150 loài động vật, 109 loài thực vật.

Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 1 cá thể cò mỏ thìa quý hiếm vẫn còn sống khỏe mạnh (ảnh). Trước đó, một người dân ở xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thấy con chim đẹp nên mua về nuôi, sau khi phát hiện đây là cò mỏ thìa, loài động vật nguy cấp, quý hiếm nên đã liên hệ giao nộp kiểm lâm địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Con cò mỏ thìa này có trọng lượng khoảng 1,7kg, chiều cao khoảng 60cm, sải cánh rộng hơn 70cm, bộ lông màu trắng, mắt màu đỏ, mỏ xám chì có vằn đen ngang, chân màu đen pha màu đỏ.

Theo Vườn Quốc gia Vũ Quang, cò mỏ thìa có tên khoa học Platalea minor, thuộc họ cò quăm Threskiornithidae, bộ hạc Ciconiformes… nằm trong danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn và được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, Sách đỏ  thế giới (IUCN) xếp cò mỏ thìa ở cấp độ nguy cấp, đe dọa bị tuyệt chủng.

Tin cùng chuyên mục