Nhiều lô cốt là do kỹ thuật thi công

Hiện nay trên tuyến đường Phạm Thế Hiển tồn tại 14 vị trí rào chắn thi công công trình thuộc gói thầu G xây dựng tuyến cống bao, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển
Lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển

Báo SGGP ra ngày 7-3-2020 có đăng bài “Nhiều lô cốt chiếm lòng đường Phạm Thế Hiển”, phản ánh từ cuối quý 1-2019, các đơn vị thi công đã dựng hơn 10 lô cốt trên đường Phạm Thế Hiển (TPHCM). Trong số đó, có điểm đang được thi công và cũng có điểm đang trong tình trạng “đắp chiếu”, gây ách tắc giao thông và cản trở cuộc sống, kinh doanh của người dân. Ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 8, vừa có công văn phản hồi về việc này. 

UBND quận 8 cho biết, hiện nay trên tuyến đường Phạm Thế Hiển (tuyến giao thông huyết mạch của quận 8) tồn tại 14 vị trí rào chắn thi công công trình thuộc gói thầu G xây dựng tuyến cống bao (thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Ở 14 vị trí đang thi công trên đường Phạm Thế Hiển, phần lớn khối lượng lắp đặt cống bao bằng phương pháp kích ống ngầm. Phương pháp kích ống ngầm có nhiều ưu điểm nổi trội như chiếm dụng mặt bằng thi công ít hơn so với phương pháp đào hở, giảm thiểu việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận dọc tuyến ống, giảm thiểu khối lượng tái lập mặt đường…

Tuy nhiên, để thi công, bắt buộc phải thiết lập các hố kích, hố nhận và hố trung gian của đoạn cống cần lắp đặt. Việc thiết lập hố kích, hố nhận và hố trung gian bắt buộc phải dựng hàng rào chiếm dụng mặt đường. Sau khi hoàn thành công tác thiết lập, nhà thầu sẽ kích ống, tiếp đến sẽ xây dựng hố ga, giếng tách dòng tại các vị trí hố kích, hố nhận và hố trung gian. Đối với việc thi công hố kích, hố nhận và hố trung gian, thời gian chiếm dụng mặt đường từ 70 ngày đến 300 ngày. Theo thiết kế của gói thầu G, chiều dài nhịp kích trung bình từ 100m đến hơn 300m. Chính vì vậy, phải làm những rào chắn chiếm dụng thường xuyên trên tuyến đường.

Về việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thi công, UBND quận 8 cho hay: Ngày 25-12-2019, UBND quận 8 đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chỉ đạo nhà thầu liên quan kiểm tra các vị trí rào chắn công trình trên địa bàn quận 8, tăng cường bố trí người điều tiết giao thông, tránh tình trạng ùn ứ trên các tuyến đường Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân, Bình Đông, Hoài Thanh…; có văn bản thông tin về các giai đoạn triển khai thi công dự án cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 2 gói thầu G, để UBND quận 8 có cơ sở thông tin cho người dân hiểu vì sao có tình trạng chủ đầu tư thường xuyên lắp dựng rào chắn thi công thời gian dài, sau đó tái lập mặt đường rồi lại tiếp tục lắp dựng rào chắn thi công nhiều lần.

Ngoài ra, ngày 4-3 vừa qua, UBND quận 8 đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT TPHCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông về việc không chấp hành các quy định thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quận 8.

Tin cùng chuyên mục