Nhiều “kỷ lục” về ghép tạng ở Việt Nam khiến thế giới thán phục

Trong số 10 sự kiện tiêu biểu đáng chú ý của ngành Y tế năm 2017, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu vượt bậc góp phần cứu sống được nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo. 

Theo đó, ngày 21-2, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.

Tiếp đó là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đó là bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt 10 tuổi với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15-3, ca ghép kéo dài khoảng 10 giờ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Nhiều “kỷ lục” về ghép tạng ở Việt Nam khiến thế giới thán phục ảnh 1 Ca ghép phổi đầu tiên ở người được thực hiện ở Bệnh viện Quân  y 103

Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt Nam do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là các kỷ lục về "Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”; “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

Tuy nhiên trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đánh giá vụ tai biến nghiêm trọng về khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là một "sự kiện" của ngành Y tế năm 2017.

Theo đó, sáng 29-5, 18 người đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã xuất hiện các dấu hiệu sốc phản vệ sau 1 giờ chạy thận nhân tạo. 8 người sau đó lần lượt tử vong, 10 người may mắn sống sót được chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình chạy thận tiếp, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong đêm.

Nhiều “kỷ lục” về ghép tạng ở Việt Nam khiến thế giới thán phục ảnh 2 Vụ tai biến chạy thận nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cướp đi tính mạng của 8  bệnh nhân

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho biết trong năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ như: một số vụ việc tại Bệnh viện Thạch Thất, Bệnh viện 115 (Nghệ An), Trạm Y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, tại Bệnh viện 115 Thái Bình.

Nhiều “kỷ lục” về ghép tạng ở Việt Nam khiến thế giới thán phục ảnh 3 Trong năm 2017 , nhiều bác sĩ đã bị người nhà bệnh nhân hành hung khi đang làm nhiệm vụ gây thương tích nặng

Về những chính sách liên quan tới công tác Y tế, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới  là sự kiện Y tế nổi bật nhất trong năm vừa qua.

Nghị quyết số  21 NQ/TW  giúp Việt Nam nâng cao chất lượng dân số trong tương lai

Trong Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe.

Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Cùng với đó là việc đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt gần 86% cũng là một trong mười sự kiện của ngành Y tế.

Nhiều “kỷ lục” về ghép tạng ở Việt Nam khiến thế giới thán phục ảnh 5 Dịch Sốt xuất huyết bùng phát trong năm 2017 khiến nhiều bệnh viện bị quá tải bệnh nhân nghiêm trọng

Trong lĩnh vực Y tế dự phòng, cùng với việc dịch Sốt xuất huyết bùng phát dữ dội nhất từ trước tới nay thì Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước châu Á tự sản xuất vaccine phối hợp Sởi-Rubella sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ được đánh giá là sự kiện y tế tiêu biểu của năm.

Tin cùng chuyên mục