Nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa thời gian giãn cách

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL đã chuẩn bị nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực.
Giá cả hàng hóa được hệ thống siêu thị kiểm soát chặt, hỗ trợ người dân phòng chống dịch
Giá cả hàng hóa được hệ thống siêu thị kiểm soát chặt, hỗ trợ người dân phòng chống dịch

Tăng lượng hàng dự trữ

Thông tin từ các Sở Công thương ĐBSCL cho biết, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho bà con trong những ngày giãn cách, các sở đã làm việc với doanh nghiệp (DN) và nhà phân phối để tăng lượng hàng dự trữ.

Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh này cho biết, với 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng Bách hóa Xanh, các kho của hệ thống Co.opmart và 72 chợ phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố như hiện nay thì Hậu Giang đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, khẩu trang… cho người dân trên địa bàn.

“Tính đến ngày 18-7, Hậu Giang có 9 DN tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa là 8.151 tấn, tương đương 200 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Hậu Giang và Công ty TNHH MTV Nguyễn Đan Hậu Giang dự trữ 216 tấn, tương đương 14 tỷ đồng; Trung tâm phân phối khu vực miền Tây, Saigon Co.op dự trữ 1.500-2.000 tấn, tương đương 70 tỷ đồng; Công ty CP Chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang dự trữ 2.000 tấn, tương đương 26 tỷ đồng… Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã rà soát lại phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng chống dịch với tổng giá trị ước trên 377 tỷ đồng” - ông Thậm cho biết.

Tại Cần Thơ, theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, tổng lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm mà DN đăng ký dự trữ trên 553 tỷ đồng. Sở đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ (cấp độ 0-4); đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể để thống kê số lượng hàng hóa, cách thức cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu cách ly... Qua kiểm tra thực tế của Sở Công thương TP Cần Thơ tại trung tâm thương mại, siêu thị nhận thấy, các đơn vị thực hiện nghiêm cam kết với thành phố đảm bảo cung ứng hàng hóa ở cấp độ cao nhất. Ông Sơn cho biết, Cần Thơ không thiếu hàng cung ứng cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như: mì, trứng, dầu ăn, gạo và các loại thực phẩm tươi sống.

Thông tin từ Sở Công thương Cà Mau cho biết, Sở đã xây dựng 3 tình huống đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nhằm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Theo thống kê của Sở, Cà Mau hiện có 7 siêu thị và trung tâm thương mại, 11 cửa hàng tiện lợi, 72 điểm chợ. Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, giá ổn định, không xảy ra khan hiếm, thiếu hàng.

Tương tự tại Long An, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị là nhà phân phối, DN bán lẻ, cửa hàng tiện ích lên kế hoạch ứng phó các cấp độ dịch bệnh. Đến thời điểm này, hoạt động cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn. “Long An là địa bàn gần với TPHCM, thuận lợi giao thương nên DN kinh doanh bán lẻ dễ dàng điều phối hàng hóa từ nơi sản xuất, từ các kho chứa nhanh chóng. Ngoài ra, Long An có nhiều DN hoạt động xuất nhập khẩu lúa gạo, đủ sức phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh và cung cấp đến các tỉnh lân cận khi có nhu cầu” - lãnh đạo Sở Công thương Long An cho biết.

Bảo đảm giá ổn định

Theo ghi nhận của ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, trước thời điểm toàn vùng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, song đến ngày 19-7 tình hình đã trở lại bình thường. Để người dân yên tâm, các nhà bán lẻ đã kịp thời đưa ra cam kết giữ giá bán ổn định, đồng thời mở cửa sớm hơn thường lệ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Co.opmart Cần Thơ cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, hiện Co.opmart Cần Thơ mở cửa sớm hơn thường lệ 30 phút, mỗi đợt mua hàng 40 khách và chỉ có 1 lối ra - vào; nhân viên giao hàng có lối đi riêng. Từ sự hỗ trợ đơn vị chủ quản là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), ngay từ những ngày đầu khi TP Cần Thơ thực hiện giãn cách, nguồn cung hàng hóa tại Co.opmart Cần Thơ khá ổn định, đôi khi bị thiếu hụt rau xanh và thịt heo, nhưng cơ bản cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Không chỉ có Co.opmart Cần Thơ mà hệ thống Co.opmart và Co.op Food trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ người dân.

“Co.opmart Cà Mau đã chủ động các phương án điều tiết nguồn hàng theo từng tình huống cụ thể, với giá bình ổn. Nguồn hàng được cung cấp từ các kho tại TPHCM, Bình Dương, Hậu Giang”, Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau Trần Anh Tú thông tin.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cung, các ngành chức năng ĐBSCL cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiểu thương các chợ chủ động phòng chống dịch Covid-19 như: bố trí điểm rửa tay sát khuẩn phục vụ khách tham quan, mua sắm; nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay thường xuyên sau khi giao dịch với khách hàng. Trường hợp cần thiết, những chợ không đảm bảo an toàn sẽ tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác chống dịch.

Tin cùng chuyên mục