Nhiều khuất tất từ việc đấu giá khu đất hơn 3.000m²

Hơn 3 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyển (ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đã mất nhiều thời gian đến các cơ quan chức năng, từ trung ương đến địa phương, để gửi đơn khiếu nại vụ đấu giá phát mãi có nhiều khuất tất.

Năm 2010, bà Trần Thị Ngọc Xuyến (vợ ông Nguyễn Văn Tuyển) có bảo lãnh cho người bạn mượn sổ đỏ khu đất hơn 3.000m2 của mình thế chấp để vay tiền ngân hàng. Đến năm 2012, người bạn không còn khả năng chi trả nên ngân hàng kiện ra tòa án. Tài sản thế chấp bị kê biên để thi hành án. Vợ chồng ông Tuyển đã phải ký bảo lãnh trả số tiền nợ ngân hàng còn lại.

Ông Tuyển cho biết: “Lẽ ra vợ chồng tôi nộp tiền trả cho ngân hàng, nhưng ông Nguyễn Hữu Phước, chấp hành viên thụ lý vụ án, hướng dẫn chúng tôi nộp tại Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi để được hưởng một số quyền lợi. Ngày 22-1-2016, vợ chồng tôi đến Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi nộp 314 triệu đồng để giải quyết dứt nợ với ngân hàng. Chiều 27-1-2016, ông Phước thông báo bằng tin nhắn cho tôi biết đã làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng. Ngay khi nhận được tin nhắn của ông Phước, tôi nhắn lại là sáng mai vợ chồng tôi sẽ đến Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi làm thủ tục nhận lại tài sản thế chấp. Nhưng ông Phước cho biết là không trả sổ đỏ được, vì ngân hàng đang giữ. Nào ngờ, chính ông Phước đã ký văn bản “tạm giữ tài sản, giấy tờ” là sổ đỏ miếng đất của vợ chồng tôi".

"Đến ngày 28-1-2016, ông Phước ký Thông báo 1047/TB-CCTHA về việc có người tham gia đấu giá tài sản là miếng đất này. Ngày 3-2-2016, vợ chồng tôi nhận được thông báo của ngân hàng về việc tất toán khoản nợ, trong đó có nội dung đề nghị Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi hoàn trả sổ đỏ cho vợ chồng tôi. Nhưng chính ngân hàng cũng không ngờ trước đó 1 ngày, chiều 2-2-2016, miếng đất này đã bị bán đấu giá với giá chỉ 1,7 tỷ đồng”, ông Tuyển cho biết thêm.

Với giá phát mãi quá thấp, ông Tuyển làm đơn xin thẩm định giá trị miếng đất. Tuy nhiên, do việc bán đấu giá đã xong nên không được cơ quan chức năng chấp thuận. Có thêm một chi tiết đáng chú ý, là vào tháng 9-2015, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đã ký Văn bản 7021/UBND-TNMT chấp thuận giải quyết cho bà Trần Thị Ngọc Xuyến được chuyển quyền sử dụng miếng đất này sang đất ở và tách thửa để chuyển nhượng trả nợ ngân hàng.

Văn bản nêu rõ, bà Xuyến liên hệ với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi và Cục Thi hành án dân sự TPHCM để được giải tỏa ngăn chặn việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Với văn bản này, trị giá miếng đất sau khi chuyển quyền sử dụng và tách thửa sẽ tăng lên nhiều. Tuy nhiên, mọi việc lại diễn tiến không như mong đợi của vợ chồng ông Tuyển.

Ngày 26-9-2016, ông Vũ Quốc Doanh, Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM, đã ký Thông báo số 12686 kết luận nội dung tố cáo của vợ chồng ông Tuyển, khẳng định việc kê biên, tạm giữ, cưỡng chế và bán đấu giá tài sản của bà Xuyến là đúng quy trình, luật định. Bởi lẽ, mặc dù đã hoàn thành việc tất toán khoản nợ với ngân hàng, nhưng vợ chồng ông Tuyển vẫn còn phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nhiều cá nhân và ngân hàng khác.

Phân tích về vụ việc này, luật gia Trịnh Phi Long cho biết: “Vợ chồng ông Tuyển là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phát mãi, bán đấu giá miếng đất, nhưng vì sao không được mời tham gia? Mặt khác, tài sản thế chấp bị tạm giữ để thi hành án cho khoản vay nào thì giải quyết khoản vay đó. Khi tất toán xong thì giao trả lại tài sản thế chấp, chứ không được tùy tiện tạm giữ để thi hành các vụ án khác mà không thông báo cho đương sự biết”.

Tin cùng chuyên mục