Nhiều kẽ hở trong hoạt động tố tụng

Sau hơn một tuần xét xử sơ thẩm “vụ án Nga - Mỹ” (với bị cáo là Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thùy Dung và người bị hại Cao Toàn Mỹ), TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung chưa được làm rõ. Theo dõi quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, tôi thấy còn những kẽ hở, những ẩn khuất trong hoạt động tố tụng.
Vụ án giữa Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ đang được dư luận rất quan tâm
Vụ án giữa Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ đang được dư luận rất quan tâm
Đầu tiên, có thể kể đến nghi vấn về việc có sự mớm cung, bức cung, ép cung trong giai đoạn điều tra khi xuất hiện “bản khai sinh đôi”, giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy, chỉ khác ở đại từ nhân xưng của bị cáo Trương Hồ Phương Nga và người bị hại Cao Toàn Mỹ.
Trong tố tụng hình sự, lời khai thể hiện ý kiến, suy nghĩ của bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng… về nội dung, tình tiết, diễn biến của vụ án; là một trong những cơ sở để đi tới kết luận điều tra, ra bản cáo trạng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo lẽ thường, chỉ cần xét riêng hai cá nhân bất kỳ thì họ luôn là hai cá thể độc lập, có suy nghĩ khác nhau, nhận thức, tình cảm khác nhau và không thể nào có những ý kiến, suy nghĩ giống nhau hoàn toàn được. Vậy nhưng, biên bản ghi lời khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ vào ngày 9-9-2014 với biên bản ghi lời khai của Trương Hồ Phương Nga vào ngày 29-9-2014 lại có những sự trùng khớp đáng ngờ là dấu hiệu bất thường. Nếu không làm rõ nghi vấn này thì không thể xác định được tính hợp pháp của các bản khai, từ đó xem xét một cách đầy đủ, toàn diện và đánh giá vụ án một cách khách quan.
Bên cạnh đó, lời khai của các bị cáo, người làm chứng về các bức thư ni lông được chuyển ra từ trại giam, lời khai về việc “chạy án” là dấu hiệu cho thấy có khả năng tính đúng đắn của các hoạt động tư pháp bị xâm phạm nghiêm trọng.
Theo quy định tại Điều 30 Quy chế tạm giữ, tạm giam được ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7-11-1998, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP thì: người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được gửi và nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép. Thư phải để mở và qua sự kiểm tra của trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam. Vì vậy, việc bị cáo Thùy Dung chuyển được các bức thư ra ngoài là vi phạm pháp luật, cho thấy có sự buông lỏng, thậm chí là tiếp tay từ những người có thẩm quyền. Những lời khai hay bức thư này phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đồng thời phải thu thập các chứng cứ khác để đi đến kết luận có khởi tố thêm một vụ án khác hay không.

Ngoài những vấn đề nổi cộm trên, tôi cho rằng với mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo, người bị hại, người làm chứng… và liên tiếp xuất hiện các tình tiết mới thì không thể vội vàng đi đến bất cứ một kết luận nào về việc các bị cáo có tội hay không, và việc trả hồ sơ điều tra lại/điều tra bổ sung là cần thiết. Bên cạnh đó, các vi phạm nghiêm trọng về tố tụng đã nêu cũng cần được khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý để không xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, cũng không làm xuất hiện án oan, sai. Trên hết, làm rõ các sự thật nói trên để người dân có niềm tin vào công lý, vào hệ thống tư pháp của nước ta hiện nay.

Tin cùng chuyên mục