Nhiều học sinh miền Nam trên đất Bắc là lãnh đạo cấp cao

Giai đoạn từ năm 1954 – 1975 là giai đoạn miền Bắc vô cùng khó khăn, vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc, lại vừa tập trung chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam. Mặc dù vậy, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vẫn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất về ăn ở, học tập. 

Nhân dân miền Bắc vẫn dành sự cưu mang, đùm bọc chân thành nhất cho các thế hệ học sinh miền Nam. Nhờ đó, trên 32.000 học sinh miền Nam đều khôn lớn, trưởng thành và đã có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 2-12, tại Hà Nội, Ban liên lạc Học sinh miền Nam (HSMN) Trung ương đã họp báo về kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2019) và 50 năm các thế hệ HSMN thực hiện di chúc của Bác Hồ. Lễ kỷ niệm do Ban liên lạc HSMN Trung ương phối hợp với Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội tổ chức.

Nhiều học sinh miền Nam trên đất Bắc là lãnh đạo cấp cao ảnh 1 Họp báo ngày 2-12

Theo GS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chủ trương đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước, tầm nhìn chiến lược về chính trị, về công tác cán bộ và đào tạo nhân tài cho ngày thống nhất Bắc - Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Hàng vạn con, em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đưa ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau (chủ yếu là đường biển). Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung để nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền Nam. Từ năm 1954 – 1975, có hơn 32.000 học sinh đã học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Giai đoạn từ năm 1954 – 1975 là giai đoạn miền Bắc vô cùng khó khăn, vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc, lại vừa tập trung chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam. Mặc dù vậy, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vẫn dành cho HSMN những điều kiện tốt nhất về ăn ở, học tập. Nhân dân miền Bắc vẫn dành sự cưu mang, đùm bọc chân thành nhất cho các thế hệ HSMN.

Nhờ đó, trên 32.000 HSMN đều khôn lớn, trưởng thành và đã có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều HSMN đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị; trở thành các nhà khoa học đầu ngành, nhà doanh nghiệp tài năng, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng…

Hiện tại, nhiều HSMN vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình...

Lễ kỷ niệm diễn ra từ ngày 7-12 đến 8-12 nhằm khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ về việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho miền Nam sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khẳng định công lao to lớn của đồng bào miền Bắc đối với học sinh miền Nam cũng như sự trưởng thành và đóng góp của các thế hệ học sinh miền Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đoàn HSMN sẽ về thăm, giao lưu với các địa phương xưa kia trường đóng quân (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Thanh  Hóa, Thái Bình...).

Tin cùng chuyên mục