Nhiều học sinh gặp khó trong dạy - học trực tuyến

Tại Đà Nẵng, phần lớn các trường học từ tiểu học đến THPT đều triển khai dạy học từ xa thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, học sinh ở các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc học do không có điều kiện để học với hình thức này.

Thầy Nguyễn Bá Hảo, hiệu trưởng trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kể rằng, giai đoạn đầu các em được học qua truyền hình để ôn tập. Từ ngày 6-4, trường dạy trực tuyến chương trình mới cho các em thông qua phần mềm dạy học của VNPT. Song song với phần mềm, đơn vị cũng triển khai đồng thời các phần mềm hỗ trợ khác mà trường trước đây đã sử dụng như: youtube, đài truyền hình địa phương có những nội dung tương tự, phầm mềm violet kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Giai đoạn đầu, các học sinh trường THPT Phạm Phú Thứ được học qua truyền hình, thiết bị có kết nối internet để ôn tập 
Thầy Nguyễn Bá Hảo cho biết thêm, trường có 65 học sinh là người dân tộc thiểu số Cơ tu, trong đó 17 học sinh có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin. Với những học sinh còn lại, đơn vị động viên các em học trên phương tiện truyền hình tại thôn. Những tài liệu bài học, bài tập kiểm tra sẽ được gửi theo nhóm thông qua đoàn trường để các học sinh dễ dàng liên hệ.

Theo Thầy Phạm Minh Vũ, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), nơi đây hầu như là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn vì vậy nhiều em không thể tiếp cận với hình thức học từ xa qua truyền hình hay internet. Những em không có điều kiện học qua truyền hình và mạng internet ở nhà thì nhà trường tổ chức phát tài liệu tại nhà trưởng thôn.

Học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Tri Phương ở xã Hòa Bắc học bài qua truyền hình tại nhà cộng đồng (nhà Gươl) vì nhà không có ti vi và mạng internet
Thầy Phạm Minh Vũ kể rằng, để giúp các em lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới, các thầy, cô giáo trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc chủ động chia 2 nhóm, tổ chức cho học sinh là đồng bào dân tộc Cơ Tu học qua truyền hình tại nhà sinh hoạt cộng đồng. “Năm nay các em không được xét tuyển thẳng như các năm mà phải thi vào lớp 10. Do đó, chúng tôi tập trung để bồi dưỡng, phụ đạo cho các em trước", thầy Vũ nói.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc học trực tuyến chỉ là một giải pháp tạm thời chứ không thể thay thế việc dạy học trực tiếp. Khó khăn chủ yếu hiện nay là học sinh vẫn chưa quen cách học online, thiếu tập trung; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường truyền dẫn tín hiệu kém, việc kết nối giữa giáo viên và học sinh liên tục bị gián đoạn.

Vì vậy, phòng Giáo dục huyện Hòa Vang đã giao cho các trường soạn đề cương ôn tập, chương trình học trọng tâm (đã giảm tải) đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, phân công giáo viên đến từng thôn 1 lần/tuần giao bài để hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng học tập tùy theo từng cấp học.

Ông Hoàng còn cho hay, sau khi các em đến trường học trở lại, các đơn vị trường học sẽ rà soát đánh giá từng em học sinh trong thời gian các em nghỉ học phòng dịch. “Chúng tôi sẽ tiến hành phân loại đối với những em nắm được kiến thức trong thời gian nghỉ sẽ tiếp tục tăng cường việc dạy và học. Riêng với những em không theo kịp chương trình, trường sẽ bổ sung, phụ đạo để cuối năm đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Hoàng chia sẻ.

Để việc học thực sự có hiệu quả, cả thầy lẫn trò cần có sự nỗ lực nhất là tại những khu vực khó khăn
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng nhìn nhận, học từ xa qua ti vi hay trực tuyến bằng internet rõ ràng không thể hiệu quả bằng việc dạy và học trực tiếp tại trường đặc biệt là đối với học sinh miền núi. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là giải pháp phù hợp. Để việc học thực sự có hiệu quả, cả thầy lẫn trò cần có sự nỗ lực, nhất là tại những khu vực khó khăn.

"So với các tỉnh khác thì Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn, tuy nhiên một số em về quê hoặc không có điều kiện về máy vi tính để các em có thể tiếp cận việc dạy học qua internet. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường thông báo đến học sinh theo dõi việc dạy học trên tivi. Sau khi dạy xong các thầy cô sẽ có những bài soạn gửi cho các em, kèm theo đó là có những hệ thống câu hỏi. Các em sẽ nghiên cứu, trả lời các câu hỏi trong bài tập. Có những điều gì vướng mắc thì hỏi qua email, gọi cho giáo viên trực tiếp dạy bộ môn đó", ông Mai Tấn Linh kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục