Nhiều giải pháp phát triển xe buýt

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hành khách đi xe buýt ở TPHCM ngày càng giảm. Để vực dậy và thúc đẩy vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển, sắp tới Sở GTVT TPHCM sẽ triển khai hàng loạt giải pháp mạnh mẽ.

Những trở ngại  

Theo Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong đó, 90 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá (gồm 10 tuyến nội tỉnh và 27 tuyến liên tỉnh liền kề). Thời gian gần đây, số lượng tuyến xe buýt có xu hướng giảm dần. Một mặt do TP tổ chức rà soát sắp xếp lại mạng lưới tuyến, giảm độ trùng lắp không cần thiết, mặt khác do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Năm 2019, TP tạm ngưng 3 tuyến xe buýt có trợ giá (96, 66, 51) và ngưng 3 tuyến xe buýt không trợ giá (119, 159, 42). Năm 2020, tiếp tục ngưng hoạt động 5 tuyến có trợ giá (54, 2, 11, 144, 17)….

Nhà chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, theo Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TPHCM (thuộc Sở GTVT TPHCM), hiện trung tâm vẫn đang duy trì số xe buýt hoạt động đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi và cùng với các đơn vị điều chỉnh tần suất dịch vụ xe buýt cho hợp lý hơn. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết thêm, trong năm qua, hành khách đi xe buýt tiếp tục giảm. Số hành khách chỉ còn khoảng 140 triệu lượt, đạt 51% kế hoạch năm và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nguyên nhân khiến người đi xe buýt giảm do dịch Covid-19, còn có nguyên nhân khác, là sự xuất hiện của xe công nghệ. Hành khách có xu hướng dùng dịch vụ này cho các chuyến đi ngắn.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, hành khách giảm do nhiều đơn vị vận tải “thu không đủ chi” nên nhiều tài xế cố tình bỏ tuyến hay hoạt động cầm chừng. Theo các chuyên gia, đây mới là vấn đề chính cần ngành chức năng quan tâm giải quyết. Bởi lẽ, việc hành khách giảm đi xe buýt do chuyển từ xe buýt sang sử dụng các loại phương tiện cá nhân chỉ mang tính chất nhất thời trong giai đoạn dịch bệnh. Một khi dịch lui thì việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ dần dần được khôi phục. Do vậy, TP cần đảm bảo thu nhập cho tài xế để họ yên tâm làm việc. Tài xế chuyên tâm làm việc, đưa đón, trả khách đúng quy định, không chạy ẩu - lấn làn thì xe buýt sẽ dần lấy lại niềm tin của người dân. Người dân TP chưa chọn xe buýt vì nhiều phương tiện cũ, chưa được cải tiến trong khi chất lượng phục vụ chưa cao. Ngoài ra, phương tiện này còn nhiều hạn chế khác như thường bị ùn tắc, trên xe có tình trạng trộm cắp, móc túi nên không hấp dẫn người dân. Một vấn đề quan trọng không kém là TPHCM phải nghiên cứu xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt, vì đây là cơ sở quyết định cho xe buýt chạy đúng giờ, không bị tắc trong dòng xe cá nhân. 

Tháo nút thắt

Để phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trong đó có xe buýt, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”. Trong đề án, 27 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm với các thứ tự ưu tiên, đi kèm trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực để thực hiện. 

Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn sau năm 2020 và đường sắt đô thị trong tương lai. 

Trên thực tế, Sở GTVT TPHCM đã và đang bắt đầu triển khai một số dự án đầu tiên của đề án này. Ông Trần Quang Lâm cho biết, sở sẽ nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt, đồng thời sắp xếp lại các tuyến hiện có để phù hợp hơn với nhu cầu di chuyển của người dân. Hiện Sở GTVT TPHCM đang nghiên cứu xây dựng 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và đường Võ Thị Sáu. TPHCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành VTHKCC bằng xe buýt. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai giám sát hoạt động VTHKCC bằng xe buýt thông qua trung tâm giám sát trực tuyến tại đơn vị, trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe buýt (100% phương tiện đã trang bị). TP cũng đã triển khai hệ thống loa trên xe để tự động thông báo cho hành khách khi đến trạm dừng (đạt tỷ lệ 95%), hệ thống loa tại 2 nhà chờ xe buýt tự động thông báo các xe sắp đến. 

TPHCM đã đưa vào vận hành cổng thông tin buyttphcm.com.vn, BusMap, tổng đài 1022, đầu tư 44 bảng thông tin điện tử tuyến buýt trực tuyến tại trạm xe buýt. TP chính thức giới thiệu phiên bản đầu tiên của ứng dụng cung cấp thông tin VTHKCC trên thiết bị di động và kết nối xe buýt với ứng dụng Grab trên thiết bị di động. Tất cả ứng dụng trên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và để phục vụ tốt nhất cho người dân, ông Trần Quang Lâm cho biết như vậy.

TPHCM hiện có 2.253 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến xe buýt (gồm 485 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và 1.758 xe buýt sử dụng dầu diesel). Ngoài ra, có 261 xe tham gia hoạt động đưa rước học sinh. Tất cả xe hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP đều có ghế ngồi ưu tiên và dành riêng cho người khuyết tật. Số lượng xe buýt có sàn thấp hỗ trợ người khuyết tật lên xuống xe trên tổng số lượng xe buýt có trợ giá 294/2.073 (đạt tỷ lệ 14,2%). Trong đó, một số xe buýt có thiết kế lắp đặt thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật như hệ thống cầu lên xuống xe và dành một phần diện tích sàn để xe lăn.

Tin cùng chuyên mục