Nhiều giải pháp hỗ trợ ngành chế biến lương thực thực phẩm

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện ngành lương thực, thực phẩm có 5.515 cơ sở sản xuất, trong đó có 1.976 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Các DN trong ngành đã có sự chuyển đổi đầu tư sản xuất và thị trường theo hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước. 
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sản phẩm ra 53 quốc gia trên thế giới
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sản phẩm ra 53 quốc gia trên thế giới

Thống kê những năm gần đây cho thấy, doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 17% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và đạt mức tăng trưởng ngày càng cao. Thực phẩm, đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu), là cơ hội để các DN mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

Trước thực tế đó, nhiều DN đã chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hình thức, mẫu mã bao bì để tăng thị phần nội địa, đồng thời gia tăng xuất khẩu. Về phía TPHCM, nắm bắt được tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành thực phẩm, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; kết nối ngân hàng và DN, tổ chức các buổi tọa đàm hoặc hội thảo chuyên đề, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối với hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, tăng gần 5.000 điểm bán bình ổn thị trường mặt hàng lương thực thực phẩm. Đặc biệt, thành phố đã đưa nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM giai đoạn 2018-2020 và đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành.

Tin cùng chuyên mục