Nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng nước máy

Chất lượng nước máy cung cấp cho người dân TPHCM đang được giám sát chặt chẽ, không chỉ từ đơn vị sản xuất, phân phối mà các cơ quan độc lập như Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cùng trung tâm y tế dự phòng của 24 quận huyện.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM vừa công bố kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt trên địa bàn TPHCM. Kết quả, có khu vực tỷ lệ mẫu đạt tiêu chuẩn về hóa lý rất thấp.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), về chất lượng nước máy nói chung, cũng như những giải pháp đảm bảo cung cấp nước đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân.

Bồn chứa, nước giếng không đạt tiêu chuẩn cao

Phóng viên: Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM vừa công bố kết quả giám sát chất lượng nước năm 2018, cho thấy nhiều khu vực có tỷ lệ mẫu nước không đạt quy chuẩn. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?

Ông BÙI THANH GIANG: Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thường xuyên trực tiếp lấy mẫu nước sinh hoạt, ăn uống của người dân trên địa bàn TP để giám sát chất lượng nước.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các mẫu nước lấy trong phạm vi quản lý của Sawaco là các trạm nước thô, nhà máy nước và trên mạng lưới đường ống cấp nước (ngoại trừ khu vực huyện Củ Chi, do Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn quản lý) thì tỷ lệ mẫu nước không đạt quy chuẩn của nhóm khu vực này cao nhất vào khoảng 2,78% về hóa, lý.

Nguyên nhân không đạt chủ yếu rơi vào nơi cuối nguồn cấp nước, chỉ tiêu clo dư. Các chỉ tiêu khác, đặc biệt là chỉ tiêu về vi sinh lấy trực tiếp từ đường ống nước máy đều đạt và nước máy vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, nhiều khu vực có tỷ lệ mẫu nước không đạt quy chuẩn khá cao, thưa ông?

Bên cạnh lấy mẫu do Sawaco chịu trách nhiệm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM còn lấy mẫu tại các bồn chứa vệ tinh hoặc nước giếng từ các hộ dân. Tính chung trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM giám sát trên 3.155 mẫu nước. Qua đó, 1.827 mẫu (hơn 57,9%) đạt tiêu chuẩn hóa, lý; 3.017 mẫu (hơn 95,6%) đạt chỉ tiêu vi sinh và 1.792 mẫu đạt cả hóa, lý và vi sinh.

Đối với phạm vi quản lý của Sawaco, tỷ lệ đạt chất lượng thấp nhất cũng hơn 97,2%. Trong khi đó, nước giếng tại các hộ dân có 60,5% mẫu không đạt quy chuẩn hóa, lý; 7% mẫu không đạt quy chuẩn vi sinh. Tương tự, các bồn chứa vệ tinh ở quận 12 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn có gần 76,3% mẫu không đạt tiêu chuẩn hóa, lý và gần 15,4% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh.

Thực tế, Sawaco chỉ kiểm soát được chất lượng nước tại các trạm cấp nước thô, nhà máy và chất lượng nước trên đường ống đến trước đồng hồ ở từng nhà dân. Còn các bồn chứa vệ tinh do người dân cùng chính quyền địa phương quản lý và Sawaco có hướng dẫn các biện pháp lưu chứa, sử dụng để đảm bảo tiêu chuẩn, vệ sinh.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, nước máy dù đạt tiêu chuẩn 100% nhưng người dân lưu chứa nước máy tại các bồn chứa vệ tinh này, cũng như bồn ở từng nhà hoặc tại các chung cư sẽ khó đảm bảo tiêu chuẩn, nếu việc bảo quản không đảm bảo, lưu chứa quá lâu.

Khắc phục kịp thời các bất thường

Đối với các mẫu nước thuộc phạm vi quản lý của Sawaco được Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM phân tích không đạt hoặc những trường hợp người dân nghi ngờ, phản ánh nước đục, nhiễm bẩn được xử lý như thế nào?

Đối với những mẫu nước máy ngành y tế dự phòng kết luận không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đều phối hợp lấy mẫu thử nghiệm lại. Trường hợp kết quả thử nghiệm lại vẫn không đạt thì Sawaco thực hiện các biện pháp khắc phục như kiểm tra, định kỳ súc xả đường ống.

Ngoài ra, khi nhận được phản ánh từ người dân về chất lượng nước máy, chúng tôi đều cử nhân viên đến lấy mẫu để phân tích. Sawaco cũng có các giải pháp khắc phục kịp thời (trường hợp phản ánh của người dân là chính xác), nhằm đảm bảo nước máy được cung cấp đến từng nhà người dân đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định.

Chẳng hạn, khi nhận được thông tin người dân xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) phản ánh có 2 mẫu nước máy nghi ô nhiễm, Sawaco lập tức phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn lấy mẫu tại vị trí người dân phản ánh để kiểm tra. Kết quả cho thấy 1 mẫu không đạt sắt, 1 mẫu có clo dư thấp.

Nguyên nhân được xác định là do nơi này cuối nguồn nước, người dân ít sử dụng nên dòng nước không lưu thông liên tục. Khi có xáo trộn thủy lực trong đường ống thì chất lượng nước không ổn định. Vì thế, Sawaco khắc phục bằng cách định kỳ súc xả để đảm bảo chất lượng nước cho người dân sử dụng.

Hiện Sawaco đang thực hiện những giải pháp gì nhằm đảm bảo chất lượng nước máy cung cấp cho người dân?

Sawaco đang phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và các quận huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, trên mạng lưới cấp nước.

Sawaco thực hiện công tác nội kiểm, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước ở nhà máy, trên đường ống (giám sát online tại các nhà máy nước); thí điểm đo các chỉ tiêu dễ biến động trên đường ống (độ dẫn, độ đục, clor dư)… để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các phát sinh.

Phòng Quản lý Chất lượng nước của Sawaco cũng liên tục lấy mẫu nước tại nhà máy, trên mạng lưới cấp nước (khoảng 100 mẫu/tuần và được lấy ngẫu nhiên hàng ngày) để đánh giá diễn biến chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước.

Nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng nước máy ảnh 1 Kỹ thuật viên Phòng Quản lý Chất lượng nước của Sawaco phân tích mẫu nước máy

Tất cả mẫu nước được thực hiện tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 về phân tích mẫu nước sạch (tiêu chuẩn quốc tế về phòng thí nghiệm), đã được cơ quan chức năng kiểm định về thiết bị, tay nghề của người kiểm nghiệm.

Đối với chuẩn này, hàng năm cơ quan chức năng sẽ kiểm tra quy trình làm việc của phòng thí nghiệm để đảm bảo các mẫu thí nghiệm được thực hiện kiểm tra theo đúng quy trình và định kỳ 3 năm/lần sẽ đánh giá và cấp giấy chứng nhận lại cho phòng thí nghiệm.

Về cơ bản, kết quả của ngành y tế dự phòng giám sát độc lập và Sawaco tự kiểm tra không sai biệt nhau nhiều. Trong một số trường hợp, ngành y tế dự phòng công bố không đạt nhưng khi chúng tôi cùng phối hợp lấy mẫu thử nghiệm lại thì đạt.

Sawaco cam kết thực hiện các giải pháp giám sát chất lượng nước đầu ra tại các nhà máy cấp nước một cách nghiêm ngặt và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của Bộ Y tế. Cùng đó, Sawaco đang triển khai các dự án, kế hoạch nhằm thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân TPHCM được cấp nước sạch, luôn đảm bảo chất lượng nước an toàn cho người dân sử dụng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị các trung tâm y tế dự phòng quận huyện lấy mẫu nước ngay sau đồng hồ nước, không lấy sau bồn chứa (vì có thể bị pha trộn nguồn nước), nhằm đảm bảo tính khách quan của mẫu nước.

Ông TRẦN KINH THẠCH, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng nước Sawaco:

Giám sát online chất lượng nước sông

Hiện Sawaco đang giám sát chất lượng nước sông về tình hình ô nhiễm, nhiễm mặn (vào mùa khô); đồng thời làm việc với các đơn vị quản lý hồ nước đầu nguồn để xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ Sawaco ngăn xâm nhập mặn hoặc xả ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, trong mùa khô 2019, Phòng Quản lý Chất lượng nước tổ chức theo dõi liên tục (online) về độ mặn nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai do hiện tượng xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô. Bên cạnh theo dõi online, còn theo dõi tại phòng thí nghiệm để so sánh kết quả với online, nhất là vào các đợt triều cường. Khi độ mặn có dấu hiệu gia tăng, Sawaco sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An xả nước đẩy mặn.

Tin cùng chuyên mục