Nhiều giải pháp bù đắp thiếu hụt nguồn khách từ thị trường Nga, Trung Quốc

Ngày 15-7, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ VH-TT-DL, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức; cũng như để bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường khách Trung Quốc và Nga cần triển khai nhiều giải pháp, trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, đối với giai đoạn ngắn hạn, hướng tới khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch Covid-19. Trong đó tập trung thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông; thị trường nói tiếng Nga (khách từ Nga đi du lịch qua nước thứ 3), Uzbekistan, Azerbaijan…

Tổng cục Du lịch cũng sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam, cụ thể: tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Australia và New Zeland, tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch JATA (tại Nhật Bản vào tháng 9) và Hội chợ WTM (tại London, Anh vào tháng 11), phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho các đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, phát huy vai trò cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi Covid-19, đẩy mạnh hoạt động emarketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Nhiều giải pháp bù đắp thiếu hụt nguồn khách từ thị trường Nga, Trung Quốc ảnh 1 Triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch tới các thị trường quốc tế ngành hàng không đã kết nối lại đường bay
Đối với giai đoạn trung hạn, sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển các thị trường trọng điểm. Xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách.
Chú trọng khai các thị trường gần, truyền thống, có mức tăng trưởng cao như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) và Đông Nam Á. Mở rộng thêm thị trường có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Australia, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu; thị trường mới, có tiềm năng tăng trưởng: Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu... - lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp bù đắp thiếu hụt nguồn khách từ thị trường Nga, Trung Quốc ảnh 2 Cùng với sản phẩm chủ đạo là nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch khám phá di sản, văn hóa, thiên nhiên, cũng cần đẩy mạnh thu hút một số phân khúc khách theo các loại hình chuyên đề như du lịch golf, MICE, chăm sóc sức khỏe, mạo hiểm...
Tổng cục Du lịch cũng đề xuất tiếp tục tăng cường vai trò định hướng và điều phối quảng bá, xúc tiến du lịch của cơ quan quản lý du lịch quốc gia. Tập trung, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tăng cường kết nối và hợp tác công tư, thu hút tham gia của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tạo thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, kết nối hàng không, thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh; đẩy mạnh hợp tác, kết nối quốc tế trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường nghiên cứu, dự báo, định hướng phát triển thị trường…
Đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai có hiệu quả chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với bối cảnh mới sau dịch Covid-19. Xem xét, điều chỉnh định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam....

Tin cùng chuyên mục