Nhiều dự án giết mổ công nghiệp “lỡ hẹn”

Nhiều doanh nghiệp vay gần trăm tỷ đồng để đầu tư, xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm, hướng đến vệ sinh an toàn thực phẩm để kịp đúng tiến độ đóng cửa cơ sở giết mổ thủ công. Tuy nhiên, có nhà máy xây xong hoạt động chưa hết công suất do nợ tiền, có dự án trả lãi suất ngân hàng nhiều tháng nhưng vẫn nằm trên giấy, thậm chí có dự án chuyển đổi thành khu dân cư...

Trả lãi hàng tỷ đồng để đắp chiếu

Theo kế hoạch đến hết tháng 9-2019, các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu trên địa bàn TPHCM sẽ ngưng hoạt động, thay vào đó là đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp, với công suất hơn 12.000 con/ngày.

Đến ngày 31-12-2019, tiếp tục đưa nhà máy giết mổ bò, dê cừu của Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp vào hoạt động với công suất giết mổ 50 con bò/giờ, 200 con dê - cừu/giờ; đồng thời ngưng hoạt động ở Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn và chuyển toàn bộ hoạt động của trung tâm vào 2 nhà máy giết mổ gia cầm công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại sản xuất thịt an toàn - dinh dưỡng và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri).

Nhiều dự án giết mổ công nghiệp “lỡ hẹn” ảnh 1 Công ty An Hạ vay hơn 100 tỷ đồng mua sắm thiết bị, máy móc nhưng đang phải “đắp chiếu”
Tuy nhiên, nhiều nhà máy giết mổ “lỡ hẹn” không thể đưa vào hoạt động đúng tiến độ, do mỗi dự án vướng lý do khác nhau. Do vậy, thành phố vẫn tiếp tục sử dụng tạm thời 3 nhà máy giết mổ công nghiệp  và 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công hoạt động hiện tại với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm trên địa bàn thành phố là 7.300 con heo, 90.000 con gà. Trong đó, 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, hoạt động với công suất hàng đêm khoảng 1.700 con heo, chiếm 23%. Riêng 11 cơ sở giết mổ thủ công hoạt động trong điều kiện môi trường chưa thật sự đảm bảo. 

Ghi nhận thực tế tại nhà máy giết mổ gia súc của Công ty An Hạ hiện chỉ có 4 bức tường, bên trong ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng. Nguyên nhân là trong dự án có hơn 387m2 đất đường, mương do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong ranh dự án.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, kể rằng trong khi chờ giấy phép xây dựng, quyết định cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công ty đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải. Để kịp tiến độ, công ty vay hơn 100 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, máy móc nhưng đang nằm “đắp chiếu” với thời gian bảo hành đang cạn dần.

Hơn 1 năm qua, Công ty An Hạ vẫn chưa được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Trong khi đó, công ty đang trả lãi suất ngân hàng gần 1 tỷ đồng/tháng. Đã vậy, dự án cũng không hưởng được lãi suất ưu đãi từ chính sách của thành phố do chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Còn Nhà máy thực phẩm Sagri công suất 2.000 con/ngày, nhưng hiện nay hoạt động công suất chỉ 75 con/ngày. Qua tìm hiểu, nhà máy đang nợ tiền của đơn vị thi công nên các công trình phụ đã bị đơn vị này khóa cửa không cho sử dụng!

Thậm chí, dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp của HTX Tân Hiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, dự án vẫn chưa được cấp phép để tiến hành thi công xây dựng nhà máy và chưa có tuyến đường giao thông vào dự án.

Do vậy, HTX Tân Hiệp đã đề xuất UBND TPHCM, các sở ngành xem xét, chấp thuận chủ trương được tạm ngưng thực hiện dự án để nghiên cứu phương án sử dụng phát triển khu đất dự án thành… khu dân cư.

Thủ tục chồng chéo

Từ khi thực hiện dự án, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Mặc dù UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ thủ tục cho các dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện; tuy nhiên, nhiều thủ tục hành chính chồng chéo và mất thời gian tại các sở ngành nên tiến độ chậm...

Đơn cử, Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Công ty TNHH Thương mại sản xuất thịt an toàn - dinh dưỡng (thay thế Công ty TNHH Phạm Tôn) để đầu tư xây dựng vào tháng 5-2019, nhưng đến nay, Sở KH-ĐT chỉ nhận được văn bản phản hồi của Sở NN-PTNT, Sở QH-KT và UBND huyện Củ Chi. Riêng Sở TN-MT vẫn chưa có văn bản trả lời để Sở KH-ĐT tổng hợp, xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định. 

Theo Sở NN-PTNT, hiện các cơ sở giết mổ thủ công vẫn tiếp tục hoạt động, làm nhiệm vụ cung cấp sản phẩm động vật đã qua kiểm soát của cơ quan thú y trong thời gian chờ các nhà máy giết mổ công nghiệp hoàn thành. Bởi nếu chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công trong thời điểm hiện nay (khi nhà máy giết mổ công nghiệp chưa hoàn thành), khả năng rất lớn thương lái sẽ di chuyển về các tỉnh giết mổ, sau đó đưa heo về thành phố tiêu thụ, với số lượng bình quân 5.600 con/ngày. Khi đó, thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý dự án, Sở NN-PTNT kiến nghị Sở TN-MT khẩn trương tham mưu, đề xuất, trình UBND TPHCM hướng xử lý gấp việc chuyển mục đích sử dụng 30.049m2 đất, trong đó có 387m² là đất đường, mương do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong ranh dự án của Công ty An Hạ.

Sở KH-ĐT khẩn trương xem xét, giải quyết thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án cho Công ty An Hạ và giải quyết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu dự án nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại sản suất thịt an toàn - dinh dưỡng để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Tin cùng chuyên mục