Nhiều dự án cảng cạn tại Đồng Nai “bất động”

Tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế trong xây dựng và phát triển cảng cạn (ICD), nhưng nhiều dự án ICD đã được quy hoạch từ nhiều năm nay vẫn “bất động”.
Tân Cảng - Long Bình là 1 trong 2 cảng cạn đang hoạt động hiệu quả
Tân Cảng - Long Bình là 1 trong 2 cảng cạn đang hoạt động hiệu quả

Tỉnh Đồng Nai có 13 con sông, kênh với chiều dài hơn 2.300km và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất lớn, phù hợp đầu tư xây dựng ICD. Từ năm 2018, Đồng Nai đã trình và được Bộ GTVT quy hoạch 8 ICD là Tân Cảng - Long Bình, Tân Vạn, Đồng Nai (TP Biên Hòa), Tân Cảng - Nhơn Trạch, Phước An (huyện Nhơn Trạch), Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh. Các ICD có năng lực hàng hóa thông qua từ 3,4-4,3 triệu TEU, đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa đến các cảng biển trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.  

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 2 ICD được đầu tư và hoạt động hiệu quả là ICD Tân Cảng - Long Bình (phường Long Bình, TP Biên Hòa) với diện tích 105ha, và ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) với 11ha. Trong đó, ICD Tân 

Cảng - Long Bình góp phần tạo chuỗi dịch vụ cung ứng của Tân Cảng - Sài Gòn, cung cấp cho các giải pháp kho vận và logistics hiệu quả nhất. Còn ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch đang là điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, giúp giảm tải cho Tân Cảng - Cát Lái; kết nối thuận lợi với cụm cảng Cái Mép, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước.

Trong khi đó, 6 dự án ICD còn lại đang “án binh bất động”, lý do thiếu hệ thống giao thông kết nối, các tuyến đường liên cảng chưa được đầu tư xây dựng, quá trình triển khai cảng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng, bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất… Điển hình như dự án ICD Phước An (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) có diện tích hơn 180ha, quy hoạch để tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60.000DWT, gồm 10 bến tàu, được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư từ năm 2009. Nhưng nay khu vực xây dựng cảng Phước An vắng vẻ, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng rộng lớn, chỉ 5-7 thợ lái máy xúc đang múc đất san lấp mặt bằng tại các đầm nuôi hải sản và một vài lán trại công nhân ở; hàng chục hécta đầm chưa được san lấp, cỏ mọc um tùm. Theo ghi nhận, việc quy hoạch cao tốc Bến Lức - Long Thành “lướt qua”, không có điểm dừng, rẽ vào khu vực xây dựng ICD Phước An nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. 

Năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai cũng quy hoạch ICD Long Thành (xã Long An, huyện Long Thành) với diện tích gần 22ha do Công ty CP Kho bãi và logistics Long Thành làm chủ đầu tư, phục vụ việc giao nhận và vận tải hàng hóa vận chuyển bằng container, tạm chứa hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, đất kho bãi hàng hóa chiếm 56%-58%, đất giao thông 14%-20%, còn lại là đất dịch vụ điều hành, cây xanh, thể dục thể thao, hạ tầng kỹ thuật. Nhưng đến nay, các hạng mục thi công công trình vẫn “đắp chiếu”, nguyên nhân do Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đầu tư xây dựng để trở thành nơi trung chuyển giữa Việt Nam và quốc tế, sẽ nhanh, thuận tiện hơn khi sử dụng ICD Long Thành nên nhà đầu tư chưa mặn mà. 

Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình, Sở GTVT đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá mức độ phù hợp của các ICD đã được quy hoạch với các dự án đường bộ, đường sắt, đường hàng không đã và sắp được triển khai. Những vị trí được lựa chọn hiện không còn phù hợp nên Sở GTVT sẽ rà soát vị trí thuận lợi, kết nối tốt với đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai lựa chọn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu, đề xuất một số vị trí đảm bảo các tiêu chí hình thành ICD, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Riêng đối với các ICD đã có trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh rà soát, tổng hợp trong quá trình lập quy hoạch phát triển hệ thống ICD Việt Nam, tính toán kỹ nhằm xây dựng phương án quy hoạch, trình Chính phủ phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục