Nhiều dự án bất động sản ven biển Bình Thuận thiếu minh bạch

Nhiều dự án bất động sản ven biển ở tỉnh Bình Thuận đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa hoàn thiện thủ tục cần thiết theo quy định nhưng chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản tại địa phương.
Dự án Hamubay Phan Thiết, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tực đầu tư cần thiết nhưng đã rao bán, chuyển nhượng bằng các hình thức đặt cọc, giữ chỗ
Dự án Hamubay Phan Thiết, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tực đầu tư cần thiết nhưng đã rao bán, chuyển nhượng bằng các hình thức đặt cọc, giữ chỗ

Nhiều sai phạm

Những ngày này, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án (DA) Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và DVTM  Hưng Long, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vẫn đang đứng ngồi không yên. Nguyên do, DA này dù đã hơn 2 năm triển khai nhưng đến nay mới chỉ ở giai đoạn thông báo thu hồi đất mà chưa ban hành quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư theo quy định. DA do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Huy Hoàng làm chủ đầu tư, hiện chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có hồ sơ giao đất… nhưng đã có sự tác động đến mặt bằng. Theo báo cáo của phía chủ đầu tư, hiện đơn vị chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) nào. Tuy nhiên, qua theo dõi, ngành chức năng địa phương đã phát hiện chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua các hình thức giữ chỗ, đăng ký vị trí đất.

Tương tự, cũng tại TP Phan Thiết, DA lấn biển, bố trí sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (còn gọi là Hamubay Phan Thiết, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư) đến nay vẫn chưa hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư. Bên cạnh đó, mặc dù chủ đầu tư báo cáo với ngành chức năng tỉnh là chưa thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS nào cũng như chưa ký hợp đồng với bất kỳ đơn vị môi giới, nhưng qua theo dõi, Sở Xây dựng Bình Thuận phát hiện đơn vị chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng để thực hiện các công việc liên quan đến bán sản phẩm của DA. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận và một số nguồn thông tin khác, Sở Xây dựng Bình Thuận khẳng định, phát hiện chủ đầu tư và công ty môi giới đã thực hiện rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua hình thức giữ chỗ, đặt chỗ…

Ngoài những DA nêu trên, vào đầu tháng 4 vừa qua, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận còn phát hiện hàng loạt DA khác, dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng đã tổ chức rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ như: Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, dự án Lấn biển tạo khu dân cư - TMDV mới La Gi; DA Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né…

Đặc biệt, DA Khu dân cư Tiến Lợi (Công ty CP Xây dựng Toàn Thịnh) và DA Sentosa Villa (Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn) dù chủ đầu tư mới đang điều chỉnh thủ tục hồ sơ giao đất, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng đã cho xây nhiều hạng mục hạ tầng như đường giao thông, văn phòng, hồ cảnh quan… rồi rao bán, chuyển nhượng BĐS trên mạng xã hội. Cá biệt, tại DA Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp - TM - DV Hàm Thắng - Hàm Liêm, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tuấn Tú chưa hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Cao Sơn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cho biết, hiện tại toàn tỉnh đang có khoảng 70 DA kinh doanh BĐS được chấp thuận đầu tư, trong đó có 32 DA khu dân cư, khu đô thị và 39 DA du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh BĐS. Sau khi tiếp nhận những thông tin phản ánh liên quan đến thị trường BĐS, đơn vị đã tổ chức thanh tra 14 DA trên địa bàn và phát hiện nhiều sai phạm. Ngay sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ra 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 35-40 triệu đồng/trường hợp đối với 4 công ty có sai phạm, gồm: Công ty CP Xây dựng Toàn Thịnh, Công ty CP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Việt Úc, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, hiện nhiều dự án BĐS trên địa bàn đều trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định nhưng chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư chưa công khai, số liệu báo cáo chưa đầu đủ, chính xác. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp BĐS chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường BĐS, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của khách hàng và các nhà đầu tư thứ cấp.

Tin cùng chuyên mục