Nhiều đổi mới trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 được tổ chức chiều 17-5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc ngày 20-5 và bế mạc ngày 14-6.
Họp báo chiều 17-5. Ảnh: Thanhuytphcm
Họp báo chiều 17-5. Ảnh: Thanhuytphcm

Thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội). 

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.  

Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề. Phiên họp thảo luận về nội dung này tuy không được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhưng là phiên thảo luận mở, các phóng viên báo chí được trực tiếp theo dõi, đưa tin tại Trung tâm Báo chí kỳ họp. 

“Đại biểu Quốc hội vào nghị trường chỉ cần mang smartphone”

Việc triển khai phần mềm mới hỗ trợ hoạt động của các đại biểu Quốc hội sẽ cho phép các vị đại biểu Quốc hội không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mà mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên smartphone hoặc thiết bị di động khác - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại cuộc họp báo. Đây là phần mềm rất hữu ích, dù mới chỉ là bước thí điểm, nên tại kỳ họp này, các cơ quan phục vụ vẫn chưa bỏ hẳn văn bản giấy. Đến cuối kỳ họp, các đại biểu, những người sử dụng sẽ thực hiện việc đánh giá về phần mềm này và Văn phòng Quốc hội sẽ căn cứ vào đó để tiếp tục hoàn thiện phần mềm. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin thêm, Quốc hội có thể ra một nghị quyết riêng về việc xử lý tình trạng vi phạm an toàn giao thông, như gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, sẽ tiếp tục tổ chức như thông lệ. Các cơ quan sẽ đề xuất các vấn đề, các bộ trưởng, trưởng ngành để các đại biểu Quốc hội lựa chọn nội dung cũng như nhân sự sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Phiên chất vấn sẽ khuôn lại với các vấn đề được chọn khác với hình thức chất vấn không giới hạn nội dung, không giới hạn danh sách người trả lời chất vấn như đã áp dụng tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2018). “Cách thức chất vấn như tại kỳ 6 chỉ thực hiện vào kỳ họp cuối năm ở giữa nhiệm kỳ và kỳ họp giữa năm ở năm cuối nhiệm kỳ”, ông Phúc nói thêm.

Tin cùng chuyên mục