Nhiều doanh nghiệp FDI chỉ tận dụng ưu đãi để kiếm lời

Trong tiến trình mở cửa, đổi mới đất nước, vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp lớn trong các hoạt động kinh tế của đất nước. 
Sản xuất sử dụng nhiều lao động tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sản xuất sử dụng nhiều lao động tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thế nhưng, nhìn lại những doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, đầu tư chỉ nhắm đến việc được thụ hưởng các ưu đãi, tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, rồi báo cáo thuế lỗ, chuyển giá… Vì vậy, đến lúc nhà nước cần tinh lọc các FDI, kiểm soát chặt hoạt động đầu tư sao cho có hiệu quả nhất.

Ít mang lại giá trị gia tăng

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 21.450 doanh nghiệp FDI, nhưng thực tế chỉ khoảng 16.700 doanh nghiệp FDI có báo cáo với các cục thống kê địa phương. Do vậy, việc các chủ đầu tư bỏ trốn khi còn đang nợ lương, nợ bảo hiểm và xảy ra tranh chấp đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Điều đó cho thấy hoạt động quản lý doanh nghiệp FDI chưa thật sự tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở những ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không cao. 

Cụ thể là đầu tư lớn vào bất động sản, trong khi các ngành nông - lâm - ngư nghiệp có tỷ lệ đầu tư thấp. Việt Nam đang là thị trường thứ 2 (sau thị trường Hoa Kỳ) để các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản. Chỉ trong năm 2018, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đổ vào Việt Nam hơn 56 triệu USD. Số người Hàn Quốc muốn mua căn hộ chung cư ở Việt Nam cũng tăng. 

Các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI nói chung cũng đổ vào các địa bàn trung tâm, thuận lợi như Đông Nam bộ (chiếm gần 55%) và đồng bằng sông Hồng (32%); trong khi các vùng núi, vùng cao, vùng khó khăn cần nhà đầu tư thì lại không có. Trong khi đó, nhà nước cho phép các tỉnh tự đưa ra điều kiện ưu đãi để thu hút đầu tư FDI, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, kết quả doanh nghiệp FDI vẫn hưởng ưu đãi, nhưng nhà nước không đạt được mục tiêu khuyến khích đầu tư vào những vùng khó khăn. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đầu tư chủ yếu vào các ngành gia công, may mặc. Trong khi hầu như toàn bộ linh kiện, nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu. Họ chỉ tận dụng lao động giá rẻ nhưng chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng về an sinh xã hội như trường học, nhà ở cho người lao động. Điều này cho thấy, chúng ta tốn đất đai, nhà xưởng, đường sá, các nguồn lực xã hội chỉ để phục vụ mà không thu lại được nhiều lợi ích như mong muốn. Hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm còn làm tăng ảo kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước. 

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhìn nhận, so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì khu vực doanh nghiệp FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất. Dù chúng ta đã đặt ra 3 mục tiêu lớn khi thu hút FDI là: việc làm, thu ngân sách và chuyển giao công nghệ, nhưng đều chưa đạt. Thực tế, lao động trong khu vực FDI chỉ chiếm 2,6 triệu trong tổng số 14,5 triệu lao động. Về ngân sách, chúng ta không thu được nhiều khi có sự chuyển giá quá lớn và mục tiêu chuyển giao công nghệ cũng không thành công. 

Vẫn “lỗ” và chuyển giá

Số liệu doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước tuy có dần tăng, năm 2015 là 140.000 tỷ đồng, năm 2016 là 161.000 tỷ đồng. Thế nhưng tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước năm 2017 chỉ bằng 7% so với năm 2016 và đều thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%), lợi nhuận sau thuế (22,6%). Điều đó cho thấy đóng góp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với năng lực và sự tăng trưởng trong hoạt động. Đó là do doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nên có lợi nhuận trước thuế tỷ suất cao nhưng nộp thuế tỷ suất thấp.

Việc chuyển giá, báo cáo lỗ để né thuế vẫn là vấn đề nóng lâu nay. Nhiều doanh nghiệp đầu tư chục năm nhưng liên tục báo lỗ để không nộp thuế. Từ giai đoạn năm 2012-2017, số doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm từ 44% - 52%, trong khi tốc độ tăng quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tăng. Nhiều doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân ở một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, trên 30%. Cụ thể là các ngành linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác... 

Do vậy, để kiểm soát chặt hoạt động đầu tư cũng như tăng hiệu quả quản lý các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất thời gian tới sẽ cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển tại các vùng còn khó khăn. Chỉ khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, công nghệ, môi trường và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành. 

Tại buổi thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI đến năm 2030” tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, số lượng doanh nghiệp FDI hiện chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trong nước, nhưng quy mô tổng tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Trong tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng thì tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phần vốn đi vay. Đáng chú ý là tình trạng nhà đầu tư nước ngoài thành lập đại diện thương mại là người cư trú ở Việt Nam, sau đó đi vay nước ngoài, làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia và có nguy cơ các nhà đầu tư chuyển vốn ra nước ngoài. 

Đặc biệt, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 140 doanh nghiệp có hệ số tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu hơn 4 lần thì đều là các doanh nghiệp FDI. Trong đó, đáng báo động là CapitaLand Tower có tỷ lệ vốn vay gấp 1.800 lần vốn chủ sở hữu, Samsung Display gấp 132 lần... Nhiều doanh nghiệp FDI vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết với số tiền lớn, lãi vay cao, thậm chí có doanh nghiệp phải trả lãi tiền vay vốn lên đến vài ngàn tỷ đồng/năm dẫn đến thua lỗ. Đó là lý do hàng loạt doanh nghiệp FDI thua lỗ, trong khi doanh thu hàng năm luôn tăng trưởng ở mức 2 con số và không ngừng mở rộng quy mô hoạt động.

Do vậy, “Việc thu hút vốn FDI thời gian tới phải có quy định điều kiện để tận dụng tối đa nguồn vốn của nhà đầu tư vào Việt Nam, thay vì vốn dưới hình thức đi vay”, bà Nguyễn Thị Hồng kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục