Nhiều doanh nghiệp đầu mối không nhập xăng dầu

Ngày 18-11, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại tổng hợp Hải Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì không bán xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay. 
Nhiều doanh nghiệp đầu mối không nhập xăng dầu

Trước đó, ngày 15-11, Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đã kiểm tra, phát hiện công ty này có hợp đồng mua xăng dầu của 5 thương nhân và có hợp đồng bán xăng dầu cho 7 thương nhân bán lẻ nhưng đều là hợp đồng nguyên tắc không có số lượng, thời gian cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Hà, thừa nhận, từ tháng 1-2022 đến nay, công ty không phát sinh hoạt động mua bán xăng dầu, không có doanh số bán hàng. Trong 11 tháng qua không có cơ quan chức năng nào kiểm tra hành chính công ty.

Không chỉ riêng hoạt động phân phối bị buông lỏng giám sát, theo các nguồn tin, thời gian qua hoạt động giám sát nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối cũng không được kiểm soát chặt chẽ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, hiện cả nước có 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được cấp phép nhưng trong quý 3 chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, 14 doanh nghiệp không nhập giọt xăng nào. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu thời gian qua.

Để xảy ra tình trạng này có phần trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Bởi ngân hàng khi cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vay (ngoại tệ) với các khoản vay ưu đãi thì phải kiểm tra, giám sát dòng tiền có được sử dụng đúng mục đích và an toàn, hiệu quả hay không.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam, đề nghị, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công thương kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích. Đồng thời, Bộ Công thương rà soát lại việc cấp phép, kiên quyết rút giấy phép những đơn vị vi phạm.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho quý 4, nhất là 2 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công thương đã họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối để phân giao nguồn cung xăng dầu tối thiểu (gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và tự sản xuất, pha chế) trong quý 4-2022 khoảng 5,5 triệu m3/tấn. Trong đó, lượng xăng là 2.248.066m3, diesel là 3.133.149m3, mazut là 110.497 tấn; dầu hỏa là 8.287m3. Bộ Công thương cũng vừa yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. 

Ngày 18-11, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp với các sở ngành, UBND các huyện, TP, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai và các doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Theo báo cáo, Đồng Nai có 1 thương nhân kinh doanh, 7 thương nhân phân phối, 2 tổng đại lý, 8 đại lý xăng dầu và 403 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, 4 cửa hàng đang tạm dừng để thực hiện nâng cấp, làm thủ tục chuyển nhượng cửa hàng. Hiện số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thông báo hết xăng, dầu chiếm khoảng 10-15%. Tại cuộc họp, các đơn vị, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng, việc chiết khấu thấp dẫn đến thua lỗ kéo dài và đề nghị ngành chức năng điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu để đảm bảo nguồn cung và có chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. 

Tin cùng chuyên mục