Nhiều doanh nghiệp công nghiệp vẫn chậm chuyển đổi

Phần lớn các DN Việt thường ưu tiên cải tiến công nghệ ở khâu marketing, bán hàng, thanh toán. Còn việc ứng dụng cải tiến trong khâu sản xuất, năng suất, kiểm soát chất lượng thì khá hạn chế. 
48,27% là tỷ lệ doanh nghiệp (DN) TPHCM thuộc 6 ngành kinh tế trọng điểm (điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và hóa chất, cao su - nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm, dệt may, da giày) đang sản xuất theo phương thức OBM (phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự may nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng của DN). 
Tâm lý ngại thay đổi 
Tỷ lệ sản xuất theo hình thức OBM khá cao ở nhóm ngành điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và hóa chất, cao su - nhựa. Nhưng xét đến cơ cấu sản phẩm của DN thuộc 3 nhóm ngành này, chủ yếu vẫn là sản xuất với công nghệ giản đơn, rất hạn chế trong việc tích hợp vào chuỗi sản xuất với các DN toàn cầu.
Riêng với ngành da giày, dệt may thì phần lớn sản xuất theo loại hình OEM (phương thức sử dụng nguồn nguyên liệu, thiết kế do khách hàng cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng). 
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp vẫn chậm chuyển đổi ảnh 1 Công ty Nhật Việt được chuyên gia Tập đoàn Samsung hỗ trợ cải tiến hiệu suất sản xuất
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thiết bị sẽ dần thay thế người lao động, các DN nước ngoài có xu hướng sẽ chuyển một số công đoạn trở về nước họ để giảm chi phí.
Điều này cũng có nghĩa nhu cầu đặt hàng ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Sự lạc hậu công nghệ của ngành công nghiệp nội địa không chỉ dừng lại ở khâu thiết bị, mà cả các khâu từ cung ứng, sản xuất, kiểm soát chất lượng, phân phối, tương tác với khách hàng… 
Ngay cả nhận thức của các chủ DN trong việc cần thiết phải cải tiến chất lượng hoạt động của DN cũng rất khác nhau, và không phải chủ DN nào cũng sẵn sàng tiếp nhận thay đổi.
Đại diện Công ty Samsung tại Việt Nam chia sẻ, để hỗ trợ cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, công ty đã phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM) đưa chuyên gia nước ngoài đến từng DN để hỗ trợ cải tiến chất lượng, nâng cấp hoạt động sản xuất, đáp ứng tiêu chí nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Toàn bộ chi phí để mời và đưa chuyên gia sang làm việc với các DN do Samsung hỗ trợ. DN chỉ cần thực hiện những hướng dẫn cần thiết để cải tiến chất lượng sản xuất.
Thế nhưng, không phải chủ DN nào cũng tiếp nhận những yêu cầu thay đổi do các chuyên gia cung cấp. Đơn cử gần đây nhất, đoàn chuyên gia đã yêu cầu một số nhà máy sản xuất cơ khí chế tạo phải thực hiện một trong 5 tiêu chuẩn 5S là nhà xưởng phải sạch sẽ, nhưng rất nhiều chủ DN cho rằng không cần thiết và không hợp tác thực hiện. 
Đổi mới để tồn tại hoặc bị sáp nhập
Khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM cho thấy, phần lớn các DN Việt thường ưu tiên cải tiến công nghệ ở khâu marketing, bán hàng, thanh toán. Còn việc ứng dụng cải tiến trong khâu sản xuất, năng suất, kiểm soát chất lượng thì khá hạn chế. Thói quen tư duy này khiến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh; một số DN không phát triển được, đành chấp nhận bán lại cho các DN nước ngoài. 
Một yếu tố khác đang tác động mạnh vào hoạt động sản xuất và phát triển nội lực của các DN, đó là quản lý nhà nước không theo kịp xu hướng phát triển thị trường hiện nay. Điều này đã tạo ra thị trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Giám đốc Công ty Thái Sơn Nam, cho biết những năm gần đây, hình thức kinh doanh mua bán qua mạng, bán hàng trực tuyến khá phổ biến.
Thế nhưng, cách thu thuế của các cơ quan quản lý hiện tại chỉ áp dụng hiệu quả với các DN kinh doanh truyền thống và khó thu đủ với loại hình kinh doanh mới. Thực tế này đã tạo ra sự thiếu bình đẳng trong nghĩa vụ thuế, khiến DN kinh doanh truyền thống bị mất lợi thế cạnh tranh với các DN bán hàng qua mạng. 
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, để tạo điều kiện cho DN, nhất là DN công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, TPHCM đã ban hành Quyết định 15 về hỗ trợ vốn, công nghệ cho DN.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ vốn đã rất sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, trung tâm đang phối hợp với những tập đoàn đa quốc gia tổ chức các đoàn chuyên gia đến làm việc với từng DN để hỗ trợ cải tiến chất lượng sản xuất. Vấn đề còn lại, DN cũng phải chủ động nắm bắt xu hướng phát triển, tự đổi mới mình để phát triển phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Trên thực tế, việc nhiều DN nội nhanh chóng bị thâu tóm bởi DN nước ngoài trong thời gian qua khá phổ biến và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Năm 2000, thị trường Việt Nam có khoảng trên 20 thương vụ mua bán sáp nhập, đến năm 2016, con số này đã tăng lên trên dưới 600 vụ, với tổng giá trị thương vụ hơn 6 tỷ USD. Điểm đáng chú ý trong các giao dịch, các DN bị sáp nhập thường là những DN chậm nắm bắt công nghệ, kém lợi thế cạnh tranh hơn nên buộc phải nhường thị phần tiêu dùng cho các DN có ưu thế hơn.

Tin cùng chuyên mục