Nhiều điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường

TPHCM vừa sơ kết một năm triển khai Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố cũng đã đạt được những thành quả nhất định. 
Người dân chăm sóc cây xanh tại Công viên 130 Cao Lỗ (quận 8) được chuyển hóa từ bãi rác. Ảnh: ĐỨC THIỆN
Người dân chăm sóc cây xanh tại Công viên 130 Cao Lỗ (quận 8) được chuyển hóa từ bãi rác. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Xóa nhiều điểm đen về ô nhiễm

Qua một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực. Một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm; nhiều quận, huyện thực hiện tốt việc ký cam kết của các tổ chức, hộ gia đình với chính quyền trong thực hiện thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tuyến đường, khu dân cư; thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn… Toàn thành phố đã chuyển hóa được 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải. 

Ghi nhận dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nối dài các quận Bình Thạnh, Tân Bình và Phú Nhuận) cho thấy, nếu như trước đây người dân vẫn có thói quen xả rác tùy tiện, gây nhếch nhác trên và dưới dòng kênh thì nay, các hộ dân, đặc biệt các cửa hàng dọc hai bên bờ, có ý thức hơn trong việc giữ gìn sạch đẹp cho dòng kênh cũng như môi trường sống xung quanh. Thậm chí, mỗi người dân khi tập thể dục xung quanh tuyến kênh đều trở thành một tình nguyện viên sẵn sàng thu dọn rác. Khác với cảnh rác thải vương vãi khắp nơi, bây giờ là khung cảnh sạch, đẹp, tạo cảm giác thoải mái cho mỗi người khi ra đây tập thể dục. Một điểm mà chúng tôi ghi nhận đã có sự chuyển biến rõ rệt nữa là chân cầu Thị Nghè 2 (đường Nguyễn Hữu Cảnh nối giữa quận Bình Thạnh và quận 1). Nếu như trước đây, người đi qua khu vực này luôn cảm thấy khó thở bởi mùi nước tiểu và mùi hôi của rác bốc lên nồng nặc thì nay môi trường đã xanh, sạch hơn rất nhiều, không còn tình trạng rác thải sinh hoạt bị ứ đọng, xả vô tội vạ ra thành cầu. 

Để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 được thuận lợi, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã tổ chức, sắp xếp được 1.869 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; đã chuyển đổi 658 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; đưa vào vận hành 2 nhà máy đốt rác với công nghệ hiện đại và một nhà máy xử lý chất thải nguy hại. 
Hướng đến thành phố sạch và xanh

TPHCM định hướng, năm 2020 sẽ xây dựng địa phương là một thành phố “sạch và xanh”. Cùng với đó, hoàn thiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Xây dựng thẩm định. Đồng thời, tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đặc biệt (như rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh…) và quy định mức phí đối với dịch vụ này. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh, nâng cao việc đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức thu gom, vận chuyển và đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển theo quy định. Xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến hiện đại...

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, thực hiện tốt việc chuyển hóa các điểm đen về rác thải, về ô nhiễm. Theo đó, thành phố tiếp tục vận động 100% hộ dân trên địa bàn cam kết không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch; giải quyết kịp thời 100% ý kiến phản ánh của người dân về trật tự, vệ sinh môi trường; giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm về rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh môi trường tại các khu vực đã được giải quyết; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý vi phạm vệ sinh nơi công cộng; đổi mới phương thức triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ban hành các chính sách để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động thu gom rác của lực lượng dân lập, chuyển đổi các lực lượng này thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; tiếp tục đầu tư triển khai các dự án cải tạo môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tăng mảng xanh, cải tạo và chỉnh trang khu đô thị hiện hữu.

Bà TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM 

Nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay về bảo vệ môi trường

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TPHCM thường xuyên phối hợp với các tổ chức như hội phụ nữ, hội nông dân… tổ chức những hoạt động kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Cụ thể, MTTQ đã tổ chức gần 5.000 buổi đối thoại với hơn 1,6 triệu người tham gia, phát hơn 1,2 triệu phiếu bướm, tặng gần 50.000 móc khóa tuyên truyền đến người dân… Đồng thời, cũng đã triển khai các hoạt động, dự án dân sinh như khu phố xanh - sạch, ngày chủ nhật xanh, 15 phút vì môi trường… 

Để xây dựng thành phố xanh, sạch, hiện đại, nghĩa tình, trong thời gian tới MTTQ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, phòng ban tổ chức hoạt động nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi xả rác ra đường và kênh rạch. Thường xuyên khảo sát việc thực hiện ở các địa phương, kịp thời phát hiện các mô hình, công trình, giải pháp, cách làm hay để giới thiệu, nhân rộng thực hiện. Bên cạnh đó, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến, giải pháp hay trong thực hiện cuộc vận động.

Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM 

Song hành giải pháp nâng cao nhận thức và chế tài

Chỉ thị 19 của Thành ủy đã có sự lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thành phố. Các quận huyện đã quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, cũng như việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức đến từng người dân, khu phố, khu chung cư… Trong thời gian tới, với vai trò là đơn vị tham mưu cho thành phố, Sở TN-MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các giải pháp bảo vệ môi trường, sống xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung tuyên truyền đối với nhóm đối tượng công nhân, người lao động… tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và tại các khu vực nhà trọ. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình công cộng như nhà vệ sinh, thùng rác công cộng, nhà máy xử lý rác công nghệ cao. Sở cũng sẽ có những đợt thanh tra, kiểm tra và chế tài mạnh hơn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.

Tin cùng chuyên mục