Nhiều địa phương triển khai bình ổn giá cuối năm

Phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 cũng như ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương khu vực phía Nam đã triển khai chương trình bình ổn giá cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Chủ động nguồn hàng bình ổn tại các siêu thị bán lẻ
Chủ động nguồn hàng bình ổn tại các siêu thị bán lẻ

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022, phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2022 đối với 19 mặt hàng gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, Khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa, vở học sinh...

Thời gian thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá bắt đầu từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022. Riêng đối với mặt hàng sách giáo khoa, vở học sinh sẽ áp dụng thời gian thực hiện riêng. 

Tương tự, với TPHCM, ngay từ đầu năm nay đã ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường gắn với 4 nhóm mặt hàng gồm: các mặt hàng phục vụ người dân phòng chống Covid-19, 10 mặt hàng lương thực/thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và các mặt hàng sữa. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng phương án cung ứng trong các giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 với sản lượng dự trữ, cung ứng ra thị trường tăng khoảng 15-20% so với tháng thường.

Theo các Sở Công thương, việc bình ổn thị trường nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trong những ngày lễ và những tháng cuối năm. Chương trình cũng hướng tới thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng sâu, vùng xa...

Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn giá tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục