Nhiều địa phương chưa tổ chức cảnh giới lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt

Việc tổ chức cảnh giới tại các vị trí lối đi tự mở qua đường sắt của các địa phương vẫn còn rất lơ là. Hiện còn nhiều địa phương chưa tổ chức hoặc chỉ tổ chức cảnh giới hạn chế các lối đi tự mở nguy hiểm trên địa bàn. Trong đó, một số tỉnh hoàn toàn không thực hiện cảnh giới tại vị trí lối đi tự mở nguy hiểm.
Nhiều lối đi tự mở mất an toàn qua đường sắt
Nhiều lối đi tự mở mất an toàn qua đường sắt

Cục Đường sắt Việt Nam vừa cho biết, trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia còn 4.038 lối đi tự mở, chiếm 72,67% tổng số giao cắt cùng mức. Tuy giảm 53 vị trí so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm không đáng kể và vẫn đang là mối đe dọa lớn về an toàn giao thông đường sắt.

Trong khi đó, việc tổ chức cảnh giới tại các vị trí lối đi tự mở của các địa phương vẫn còn rất lơ là. Hiện còn nhiều địa phương chưa tổ chức hoặc chỉ tổ chức cảnh giới hạn chế các lối đi tự mở nguy hiểm trên địa bàn.

Trong đó, một số tỉnh hoàn toàn không thực hiện cảnh giới tại vị trí lối đi tự mở nguy hiểm là Phú Yên 0/7 vị trí; Bình Thuận 0/6 vị trí; Quảng Ngãi 0/4 vị trí; Quảng Trị 0/1 vị trí; Quảng Bình 0/4 vị trí; Hà Tĩnh 0/6 vị trí. Đây là những lối đi rộng, lưu lượng người và phương tiện qua lại cao hoặc che khuất tầm nhìn, rất dễ xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng gồ giảm tốc cưỡng bức cũng mới đạt 40,6%. Một số địa phương thực hiện với số lượng ít là Khánh Hòa; Phú Yên; Đồng Nai; TPHCM; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định. Việc rào thu hẹp vị trí lối đi tự mở nguy hiểm hiện cũng chỉ đạt 73,67%.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, trong năm 2020, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch xóa lối đi tự mở và chương trình hành động đảm bảo ATGT đường sắt. Cùng với nguồn vốn của trung ương, địa phương cũng phải có kế hoạch vốn và chủ động nguồn lực để thực hiện để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở trước năm 2025

                           

Tin cùng chuyên mục