Nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Ngày 2-10, Trường Đại học Luật TPHCM và Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS, Đức) – khu vực Đông Nam Á tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại”.
 Hội thảo diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm chính tại TPHCM với Hà Nội và các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Anh, Canada, Thụy Sĩ…

Đây là diễn đàn khoa học lớn, các ý kiến, góp ý của các học giả là sự gợi mở, khơi gợi cho việc nghiên cứu, cũng như đóng góp, giúp cơ quan chức năng tại Việt Nam hoạch định chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Các vấn đề “phi thương mại” là khá mới và phức tạp

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, trong những thập kỷ gần đây, FTA – Hiệp định Thương mại Tự do, đang được coi là một trào lưu phát triển mạnh. Đặc biệt hơn nữa, một xu hướng mới đã hình thành và đang phát triển, ngày được nhiều nước quan tâm đàm phán, ký kết là các FTA thế hệ mới.

Sự khác biệt giữa FTA thế hệ mới và FTA nguyên thủy ban đầu, theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, ở chỗ: Nếu FTA nguyên thủy chỉ là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, sau đó được nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, rồi được bổ sung phần bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ; thì FTA thế hệ mới có 4 đặc điểm cơ bản. Cụ thể: FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ; có mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm tối đa các thuế hầu như về 0% theo lộ trình nhất định; có cơ chế thực thi rất chặt chẽ; bao gồm các lĩnh vực được xem là “phi thương mại”, như môi trường, lao động – công đoàn, quyền con người, tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế xử phạt…
Nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Trần Hoàng Hải nhận xét, có thể nói, các FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết tự do hóa thương mại sâu rộng hơn, mức độ cao hơn, lộ trình tự do hóa nhanh hơn so với các hiệp định thương mại của WTO; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia tham gia.

Trong 4 đặc điểm trên của FTA thế hệ mới, các vấn đề “phi thương mại” là khá mới, phức tạp đối với các quốc gia tham gia ký kết các hiệp định đó, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam tham gia một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU).

PGS.TS Trần Hoàng Hải cho rằng, chính vì sự phức tạp của những vấn đề mang tính chất “phi thương mại”, nên cần được nghiên cứu sâu sắc và toàn diện. Hội thảo quốc tế có 4 phiên, đề cập đến các vấn đề quan trọng thuộc “phi thương mại” của FTA: tổng quan về FTA và những vấn đề pháp lý chung về bảo vệ lợi ích phi thương mại; về các quyền liên quan đến lao động; về bảo vệ môi trường và các vấn đề phát triển bền vững.

Đồng phát biểu khai mạc, ông Phillip Degenhardt, Tổng Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS, Đức) - khu vực Đông Nam Á, nhận xét, về mặt kinh tế, FTA mang lại sự đa dạng về quan hệ thương mại cho Việt Nam, giúp Việt Nam tránh được sự phụ thuộc đáng kể vào một số khu vực kinh tế, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên. Những FTA như CPTPP, và EVFTA được kỳ vọng mang lại cơ hội mới trong xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, kể cả các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới còn bao gồm cả các nội dung không liên quan đến thương mại về chuẩn mực lao động, cam kết môi trường. Vậy, đâu là những tác động đến Việt Nam trong dài hạn, là câu hỏi cần trả lời.

Nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ảnh 2 Ông Phillip Degenhardt, Tổng Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS, Đức) - khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại hội thảo

Thông qua hội thảo, ban tổ chức kỳ vọng, có thể giải đáp được 3 vấn đề: Phát triển, tạo dựng nhiều hơn nữa hiểu biết về FTA, đảm bảo FTA mang lại những tác động tích cực hơn là những tác động tiêu cực đến Việt Nam; bảo đảm những nhóm yếu thế ở xã hội Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất và trả giá ít nhất trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.

Cần xây dựng các quy định pháp luật có thể áp dụng trực tiếp

Kết nối trực tuyến với hội thảo, GS David M.Ong (Nghiên cứu Luật Quốc tế và Môi trường, Trường Luật Nottingham, Đại học Nottingham Trent, Anh), có sự lưu ý Việt Nam khi trở thành quốc gia thành viên của EVFTA. Trong đó, ngoài việc Việt Nam phải cố gắng nâng tầm các quy định nội địa của mình về thương mại, thì Việt Nam nên lưu ý tới các nguy cơ của các điều khoản mang tính khá bảo vệ cho nhà đầu tư. Theo GS David M.Ong, các FTA thế hệ mới đã cố gắng thể hiện sự cân bằng giữa quyền ban hành pháp luật của các quốc gia tiếp nhận đầu tư và quyền của nhà đầu tư nước ngoài; tái hiện và khẳng định thêm những quyền của nhà nước liên quan đến các vấn đề khác (không chỉ về môi trường mà còn về lao động, văn hóa…), vì thế, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để trở thành đối tác ngang tầm với các đối tác trong EVFTA.

Tại điểm hội thảo ở TPHCM, Thạc sĩ Phạm Thanh Nga, Hòa giải viên thương mại, Hội viên Hội luật quốc tế Việt Nam phân tích những tác động của FTA thế hệ mới tới việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam. Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Nga, các FTA thế hệ mới có những tiêu chuẩn chung nhất định và có thể có thay đổi, bổ sung. Vì vậy, việc lập pháp trong nước, cụ thể là việc ban hành các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật cần có những dự báo, tầm nhìn xa để có thể điều chỉnh các vấn đề mới nảy sinh, tránh việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc ngân sách quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội thảo Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại

Thạc sĩ Phạm Thanh Nga đề xuất Việt Nam cần xây dựng để tạo ra những cơ chế có thể áp dụng trực tiếp các quy định của hiệp định, chỉ ban hành và sửa đổi luật quốc gia khi thật cần thiết. Các văn bản mới ban hành cần gắn chặt với việc thực thi các cam kết trong FTA, tạo cơ chế thực thi một cách hiệu quả và dễ dàng cho công chức nhà nước cũng như người dân. Khuyến khích việc áp dụng trực tiếp các quy định, chỉ ban hành các văn bản hướng dẫn (Nghị định, Thông tư), khi thật sự cần thiết, đối với các vấn đề có tính thay đổi theo thời gian và linh hoạt. “Để thực thi tốt các cam kết trong FTA thế hệ mới, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để xây dựng một hệ thống chính sách và pháp luật đồng bộ, tương thích với các điều ước quốc tế, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển và trở thành một quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, một điểm đến an toàn cho mọi công dân toàn cầu”, thạc sĩ Phạm Thanh Nga đề nghị.

Mở ra cơ hội để người lao động bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình

Về vấn đề lao động trong FTA, TS Nguyễn Thị Bích, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, CPTPP và EVFTA tác động không nhỏ đến hệ thống pháp luật lao động Việt Nam. Bởi, một trong các nội dung quan trọng hai hiệp định hướng tới đều bao gồm vấn đề về lao động với trọng tâm là: Tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Trong đó, quyền tự do liên kết của người lao động là nội dung cam kết được quan tâm đặc biệt vì đây là điểm mới mà hệ thống pháp luật Việt Nam trước đó chưa được ghi nhận cụ thể.

TS Nguyễn Thị Bích cho rằng, việc ký kết các FTA thế hệ mới đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho người lao động bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình khi tham gia vào quan hệ lao động. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cạnh tranh lao động, khi mở rộng quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, thì trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ tăng lên khi vừa phải bảo đảm quyền tự do liên kết của người lao động được thực hiện hiệu quả, vừa phải duy trì trật tự kỷ luật, ổn định sản xuất kinh doanh, vừa thu hút, giữ chân được người lao động.

Bàn về vấn đề bảo vệ môi trường trong CPTPP, Thạc sĩ Trần Linh Huân, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, khi tham gia vào CPTPP, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường, giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức. Công bằng mà nói, các yêu cầu về cam kết môi trường được đưa ra trong Hiệp định CPTPP là rất cao so với khả năng đáp ứng của Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong vấn đề tuân thủ, thực thi các cam kết.

Cụ thể, hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam chưa đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chưa thật sự thích ứng với các cam kết môi trường trong CPTPP. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong vấn đề ứng phó, xử lý các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường.

Nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ảnh 4 Nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đã góp ý, gợi mở cho Việt Nam để thực thi các FTA thế hệ mới hiệu quả

Thạc sĩ Trần Linh Huân đề nghị Việt Nam cần tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại quốc tế có liên quan đến yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xây dựng cho mình một đội ngũ pháp lý chất lượng, được đào tạo bài bản về kỹ năng cũng như trình độ trong vấn đề tư vấn và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế có yếu tố môi trường; cần hình thành thói quen tận dụng vai trò của luật sư và các thiết chế bổ trợ tư pháp khác để hỗ trợ và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó trong các tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới môi trường. Điều này góp phần quan trọng vào việc hạn chế những rủi ro mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải do không có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó và xử lý các tranh chấp xảy ra.

Đặc biệt, cần thay đổi tư duy và nhận thức của các chủ thể trong nước theo hướng đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, thay vì duy trì tư duy bảo thủ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ bảo vệ môi trường, thì các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước cần hình thành thói quen tuân thủ các yêu cầu về nguyên tắc phát triển bền vững trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, không kêu gọi đầu tư một cách ồ ạt, dàn trải. Đồng thời, phải có cơ chế kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục